Tính đến ngày 20-9, cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; có 14 tỉnh kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; còn 24 tỉnh, thành phố vẫn phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình để phòng dịch, trong đó có Hà Nội, TPHCM…
Tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, nhà trường đã triển khai việc chuyển sách giáo khoa trực tiếp đến từng học sinh thông qua tổ dân phố, hội phụ huynh; các nhà xuất bản đã cung cấp sách giáo khoa bản điện tử, gửi qua mạng đến các trường để kịp thời chuyển đến học sinh. Đến nay, cơ bản học sinh đã có sách giáo khoa để học tập. Nhiều nơi thiết lập hệ thống điều phối viên ở tất cả các trường và điều phối viên tại 100% xã, phường, thị trấn để chuyển phiếu học tập cho học sinh không thể tham gia học tập trên internet do phải thực hiện giãn cách xã hội (TPHCM); quay video một số hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non gửi cha mẹ trẻ (qua Zalo, Messenger, Viber, YouTube).
Về công tác tuyển sinh đại học năm 2021, cho tới thời điểm này, công tác xét tuyển năm 2021 đã được các cơ sở giáo dục đại học nỗ lực triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn cho thí sinh và toàn xã hội. Theo thống kê, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do các em chỉ đăng ký xét tuyển 1 nguyện vọng duy nhất vào các trường khối dân sự nhóm đầu, các trường công an, quân sự…
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, từng tỉnh, thành cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng. Xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng. Tùy điều kiện thực tế diễn biến dịch, các địa phương/địa bàn cần linh hoạt áp dụng phương thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy học qua truyền hình. Trong đó, với những vùng học sinh không thể tới trường, ưu tiên dạy học trên truyền hình với lớp 1, lớp 2; học sinh lớp 3 đến lớp 12 sẽ chủ đạo là học trực tuyến và bổ trợ là học trên truyền hình. Đặc biệt, với sự đóng góp của các sở GD-ĐT cho kho bài giảng truyền hình, học liệu dùng chung, và hội đồng tuyển chọn của Bộ GD-ĐT thông qua, dự kiến tháng 10 này sẽ có hệ thống bài dạy trên truyền hình phục vụ học sinh các lớp 1, 2, 6 của cả nước học tập.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, thì không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm không được tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ. Những nội dung này cũng sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp THPT. Trong năm học này, để hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập tổ hỗ trợ các môn học tích hợp. Bộ đề nghị sở GD-ĐT các tỉnh cũng thành lập tổ hỗ trợ chuyên môn này…
(Theo SGGP)