Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tiêu cực (PCTC) trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CCVC); xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ, những năm qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCTC trong cán bộ, đảng viên, CCVC.
Trước hết, phải kể đến công tác quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ.
Ngoài việc kịp thời rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các chương trình, kế hoạch, quy định... về các lĩnh vực, tỉnh chỉ đạo xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; cam kết những điều "cần xây” và "cần chống”, đưa nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào nội dung kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên.
Qua công tác tự kiểm tra của địa phương, đơn vị và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng, tỉnh Yên Bái đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, CCVC có hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần chấn chỉnh sai phạm và phòng ngừa vi phạm, được người dân đồng tình ủng hộ.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã kiểm tra 2.871 tổ chức đảng, 8.486 đảng viên, giám sát chuyên đề 1.605 tổ chức đảng, 3.102 đảng viên, phát hiện 15 tổ chức đảng, 43 đảng viên có khuyết điểm vi phạm, đã thi hành kỷ luật 13 đảng viên.
Trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã thực hiện 301 cuộc thanh tra hành chính và 492 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện 366/729 đơn vị có sai phạm với tổng số tiền trên 31,8 tỷ đồng và 71.599,1 m2 đất. Đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước số tiền trên 16,6 tỷ đồng và 94,7 m2 đất; kiến nghị xử lý khác về kinh tế trên 15,1 tỷ đồng và 20.308,3 m2 đất.
Những sai phạm được phát hiện qua thanh tra chủ yếu liên quan đến việc quản lý, sử dụng ngân sách, thuế, đất đai, xây dựng cơ bản, thanh quyết toán bảo hiểm xã hội... Phát hiện 5 vụ, 16 cán bộ, CCVC có hành vi tiêu cực, đã xử lý khiển trách 10 trường hợp, cảnh cáo 4 trường hợp, cách chức 2 trường hợp do vi phạm tài chính - ngân sách.
Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện 6 vụ, 7 cán bộ CCVC có hành vi tiêu cực, đã khiển trách 3 trường hợp, cảnh cáo 2 trường hợp, khai trừ 1 trường hợp, cách chức 1 trường hợp vi phạm chế độ chính sách và đạo đức lối sống.
Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã phát hiện và khởi tố 8 vụ/21 bị can là cán bộ, đảng viên phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 6 vụ/12 bị can; hiện đang tiếp tục điều tra 2 vụ/9 bị can. Các vụ án kết thúc điều tra trên đã được Viện kiểm sát và Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái truy tố, xét xử theo quy định.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác PCTC trong cán bộ, đảng viên, CCVC, nội dung quan trọng được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tập trung chỉ đạo là yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, quyết liệt, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ PCTC làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC.
Ban hành Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, trong đó chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) của cấp tỉnh, huyện, xã; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận dưới dạng văn bản điện tử giữa các cơ quan đảng, đoàn thể, Nhà nước, tiếp nhận TTHC của người dân, doanh nghiệp.
Bố trí nguồn lực, sắp xếp bộ máy tổ chức, đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận phục vụ hành chính công tại 9/9 huyện, thị, thành phố và 173/173 xã, phường, thị trấn vào hoạt động từ ngày 1/4/2019, góp phần tích cực vào PCTC, nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực, sai phạm.
Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTC đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, lối sống liêm chính của cán bộ, đảng viên, CCVC, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm ban hành và kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, kế hoạch, hướng dẫn liên quan đến công tác PCTC, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy về PCTC trong cán bộ, đảng viên, CCVC.
HĐND, UBND các cấp cũng ban hành, điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách, định mức; quy định về phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực theo hướng cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy trình chuyên môn nghiệp vụ, các quy định về chế độ, chính sách, định mức, tiêu chuẩn, phân cấp quản lý cán bộ, đảm bảo cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách, góp phần quan trọng PCTC, ngăn chặn hiệu quả tình trạng cán bộ, đảng viên, CCVC lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh” phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.
Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTC trong cán bộ, đảng viên, CCVC trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo gắn công tác PCTC với phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, CCVC và nhân dân về công tác PCTC, tham nhũng, lãng phí.
Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu, quyết liệt, đi đầu trong PCTC; có các biện pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124 của Ban Bí thư.
Song song với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy tắc về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ là tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên, CCVC có dư luận xấu, biểu hiện, hành vi tiêu cực, tham nhũng, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thực hiện nghiêm các quy định công khai, minh bạch trong thực thi công vụ. Rà soát, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đảm bảo sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, CCVC và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, TTHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là thanh tra công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, CCVC, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm.
Tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời những phản ánh, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thanh Hương