1. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những "ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”.
Đảng ta luôn quan tâm, nhận diện và đề ra các giải pháp nhằm phòng ngừa, điều trị "bệnh" quan liêu. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” 5 lần nhắc tới từ "quan liêu”; và nêu rõ: "Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.
Trong Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 về "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, Thành ủy thành phố Hà Nội cũng xác định phải "đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác”. Năm 2021, Hà Nội đã chọn chủ đề công tác là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” cũng nhằm mục đích trên.
Cụ thể hóa các giải pháp, Ban Thường vụ cấp ủy thành phố và trực thuộc lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực, uy tín cán bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ủy viên phụ trách địa bàn, cùng cấp ủy địa phương chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Ví như trong những ngày tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện. Tại nhiều địa bàn, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy đã về cùng cơ sở họp giao ban trực tuyến, cùng lãnh đạo địa phương triển khai ngay nhiệm vụ. Nhờ đó, Hà Nội đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, người dân đồng tình, ủng hộ. Đến nay, qua 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, Thủ đô vẫn giữ được an toàn, không để dịch vượt tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, "bệnh” quan liêu vẫn tồn tại ở không ít nơi, trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 2012 đến năm 2020, trong số 57.199 đảng viên bị xử lý kỷ luật do vi phạm Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm thì có đến 17,4% vi phạm Điều 8 (quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ). Hay như trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, gần đây, kết quả kiểm tra trực tiếp và trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, không ít người đứng đầu chính quyền cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh quan liêu, lơ là, thiếu sâu sát trong thực hiện nhiệm vụ, không nắm chắc chỉ đạo, quy định của Trung ương, không nắm rõ tình hình dịch bệnh ở địa phương mình phụ trách...
Chính vì thế, trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 7-10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân chính là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống.
2. Để chống "bệnh” quan liêu, trước tiên, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và tinh thần mới từ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn căn cơ, bài bản.
"Bệnh” quan liêu xuất phát từ trong mỗi cán bộ, đảng viên nên phải tập trung thay đổi tư duy, nhận thức và hành động. "Dân là gốc”, mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân... phải trở thành nhận thức phổ biến, phương châm hành động trong mỗi tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ; luôn sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân…
Cùng với đó, phải khơi dậy ý thức trách nhiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cấp ủy Đảng nhất định phải hoàn thiện các quy chế, quy trình hoạt động; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; đổi mới phân công công tác cho cán bộ, đảng viên phải theo hướng "một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Gắn với đổi mới phân công nhiệm vụ, phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ, lấy sản phẩm, hiệu quả công việc làm thước đo năng lực; đánh giá cán bộ gắn với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh...
Một giải pháp quan trọng khác là, xử lý nghiêm minh các trường hợp vì quan liêu, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, huy động và coi trọng sức mạnh của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.
Đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội, các giải pháp trên phải được gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Đảng ta lấy lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc và của nhân dân Việt Nam làm mục tiêu phấn đấu. Chống "bệnh” quan liêu chính là góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cũng như đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, đạt cho được mục tiêu phấn đấu trên.
(Theo HNMO)