Anh Lò Văn Phong ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu đến Bộ phận Phục vụ hành chính công (PVHCC) huyện làm thủ tục chứng thực giấy tờ cá nhân. Thay vì phải đi lại nhiều lần để hoàn thành thủ tục, thì nay anh chỉ cần đưa bản gốc giấy tờ muốn được chứng thực cho cán bộ phụ trách và chỉ lát sau đã nhận được hồ sơ. Khu vực chờ giải quyết thủ tục bố trí bàn, ghế đầy đủ, đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng.
Anh Phong chia sẻ: "Các cán bộ ở đây rất nhiệt tình, hướng dẫn làm thủ tục tỉ mỉ, tác phong nhanh nhẹn, tôi rất hài lòng”.
Bộ phận PVHCC cấp huyện, cấp xã của Trạm Tấu ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2019. Từ khi thành lập đến nay, bộ phận PVHCC từ huyện đến cơ sở luôn hoạt động đúng theo quy định nhằm hướng tới sự hài lòng của người dân. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, bộ phận PVHCC cấp huyện hai cấp đã tiếp đón trên 16.000 lượt tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính. Trong đó, tiếp nhận 16.072 hồ sơ, xử lý trả kết quả 16.070 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ trước và đúng hạn đạt 99,99%; tỷ lệ đánh giá hài lòng đạt 100%...
Ông Lại Quyết Chiến - Phó chánh Văn phòng Cấp ủy và Chính quyền, Trưởng Bộ phận PVHCC huyện Trạm Tấu cho biết: Để duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ của Bộ phận PVHCC cấp huyện, chúng tôi triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 468 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, quy trình nội bộ giải quyết từng thủ tục hành chính để cập nhật kịp thời trên Cổng dịch vụ công và trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.
Đồng thời, niêm yết công khai nội dung quy trình xử lý, hướng dẫn... tại bộ phận PVHCC cấp huyện, cấp xã để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh, gọn, đúng quy định; tiếp tục tuyên truyền triển khai việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3 và 4; phối hợp với bộ phận PVHCC cấp xã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp nhận thủ tục hành chính...
Để từng bước hướng tới và đạt được chỉ số hạnh phúc cho người dân theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, cùng với đảm bảo dịch vụ hành chính công được cung cấp nhanh chóng, thuận lợi, huyện Trạm Tấu đã chú trọng đến sự hài lòng về môi trường sống của người dân. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là trồng và phát triển rừng để bảo vệ nguồn nước, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và phòng, chống thiên tai.
Để duy trì môi trường sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao cũng như đảm bảo rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh, huyện Trạm Tấu đang tập trung quản lý bảo vệ trên 39.000 ha rừng. Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện phấn đấu trồng mới 650 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 62% trở lên.
Để thực hiện được chỉ tiêu này, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng những cây bản địa; chú trọng bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, sử dụng có hiệu quả không gian, môi trường rừng để phát triển kinh tế; đề cao trách nhiệm của các chủ hợp đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng…
Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, cấp ủy, chính quyền huyện Trạm Tấu đã tranh thủ mọi nguồn lực, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên thoát nghèo để từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cuối năm 2019, huyện đã có xã Hát Lừu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Trạm Tấu phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1 xã nữa được công nhận.
Đồng chí Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Để cụ thể hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, huyện đã và đang tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân; tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, thủy lợi, viễn thông; triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…”.
Cùng đó, Trạm Tấu đã phát động phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình "Trường học thân thiện - học sinh tích cực” và "Trường học hạnh phúc”, " Lớp học hạnh phúc” trên địa bàn; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quan tâm đầu tư đồng bộ và phát huy hoạt động của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cải cách hành chính...
Ngọc Sơn