Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn báo cáo với đoàn công tác về kết quả 17 năm thực hiện Nghị quyết 37; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh.
Theo đó, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37 và gần 10 năm thực hiện Kết luận 26 của Bộ Chính trị, kinh tế của tỉnh duy trì được đà tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và tăng nhanh về quy mô, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng hơn 6 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,6 lần, thương mại - dịch vụ tăng 13,5 lần.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn báo cáo với đoàn công tác về kết quả 17 năm thực hiện Nghị quyết 37, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh
Thu ngân sách năm 2020 gấp 15 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 tăng 12 lần so với năm 2004. Yên Bái là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 78/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành mục tiêu nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Trong 10 tháng năm 2021, tỉnh đã chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giữ vững "vùng xanh" an toàn trên bản đồ dịch bệnh Covid-19. Kinh tế - xã hội 10 tháng đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 101,7% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính đạt 96,2% kế hoạch; hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2021.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,2% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) tăng 11,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.857,3 tỷ đồng, bằng 71,4% kế hoạch, tăng 24,1% so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc, hai bên đã tập trung làm rõ những nội dung liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết 37; những định hướng về chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp; tỷ lệ đô thị hóa, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp; bố trí các nguồn vốn đầu tư và giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường liên kết vùng…
Đồng thời, tỉnh cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong thu hút đầu tư; nêu những khó khăn, vướng mắc trong trong quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh, việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và các văn bản triển khai của Trung ương đã tạo cơ sở chính trị cho việc ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, gia tăng nguồn lực, tạo động lực tác động tích cực, mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, giúp mỗi địa phương định vị được hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện thực tế.
Yên Bái đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản; lâm nghiệp phát triển theo hướng đa mục tiêu. Sản xuất công nghiệp từ việc đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng đến nay đã tập trung phát triển theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ.
Về những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình đô thị thông minh.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng chỉ ra những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh thực hiện liên kết vùng do yếu tố địa lý, địa hình, thổ nhưỡng và những tác động tiêu cực do thiên tai. Một số đề án, chính sách chậm được ban hành hoặc tổng kết sửa đổi; một số chính sách chất lượng, hiệu quả tác động xã hội chưa cao; nguồn lực đầu tư cho vùng còn hạn chế; năng lực tổ chức thực hiện của một số địa phương, cơ sở cũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; cơ chế điều phối trong thực hiện liên kết vùng còn hạn chế, nhất là việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng, chưa có mô hình điều phối phát triển vùng.
Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng đề xuất, kiến nghị các nội dung mang tính bao quát chung của cả vùng về quy hoạch và định hướng phát triển vùng; xem xét, nghiên cứu có thể hình thành một thể chế điều phối, kết nối vùng. Đồng thời, đồng chí cho rằng cần có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh vùng; quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối, lấy các tuyến đường cao tốc (Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn) là trục kết nối chính.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cũng đề nghị đoàn công tác kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng; về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và vấn đề quản lý, sử dụng đất.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng đoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà Yên Bái đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 37 và Kết luận 26 của Bộ Chính trị.
Thành công của Nghị quyết 37 đã xác định được tư duy và tầm nhìn đúng, tạo động lực cho vùng phát triển và Yên Bái định vị được vị trí của mình trong phát triển chung của vùng và đã rất cố gắng, nỗ lực thực hiện hiệu quả kinh tế rừng, lấy rừng là trung tâm và động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu phát triển vượt xa so với mục tiêu nghị quyết đề ra; kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vất chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cùng với đó, Yên Bái cũng rất nỗ lực để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ bổ sung vào báo cáo của trung ương, đồng thời đề xuất các quan điểm, định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển vùng cho giai đoạn tới trong bối cảnh mới.
Trước đó, đoàn công tác của Trung ương đã đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (ảnh trên).
Mạnh Cường