Báo Yên Bái - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái được thành lập năm 1962 theo Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái ra số đầu tiên. Đây là một dấu mốc quan trọng của Đảng bộ là chính thức có cơ quan ngôn luận. Đây cũng là dấu ấn trong đời sống chính trị, văn hóa của nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Từ đó đến nay tròn 59 năm. Trong 59 năm ấy, tờ báo đã hòa cùng dòng chảy của lịch sử phát triển của Đảng bộ và quê hương Yên Bái. Có thể nói được rằng, Báo Yên Bái là người xuất hiện, có tiếng nói chính thống trước mọi sự kiện, mọi hiện tượng quan trọng, đem đến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những thông tin kịp thời, chính xác trong đời sống chính trị và xã hội trong 59 năm qua.
Từ lạ lẫm ban đầu, đến nay tờ báo đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được như cơm ăn, nước uống hàng ngày của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Những gì tờ báo Đảng địa phương đã làm được trong những năm qua ở bất kỳ giai đoạn nào, thời điểm nào, sự kiện nào đều có sự đóng góp không thể nào quên của các thế hệ nhà báo. Bây giờ là dịp để nói về nhau, để tìm về thế hệ các nhà báo đầu tiên đã đóng góp cho sự nghiệp tồn tại và phát triển của tờ báo Đảng.
Những thế hệ làm báo ngày ấy người còn, người mất, người còn nhớ tên, người đã quên tên. Nhưng những gì họ đã xả thân vì sự nghiệp báo chí hẳn không thể nào quên trong ký ức của nhiều bạn đọc.
Không phải là người làm báo Yên Bái trong giai đoạn đầu tiên, nhưng tôi là bạn đồng nghiệp của nhiều nhà báo thuộc thế hệ ấy của Báo Yên Bái. Thế hệ làm báo Yên Bái đầu tiên còn lại duy nhất có ông Đỗ Khắc Cương đã ngoại 90. Biết ông từ khi ông là Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy huyện Văn Chấn và sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ngày đầu thành lập năm 1962, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Cừ làm Chủ nhiệm, ông Đỗ Khắc Cương làm Phó Chủ nhiệm trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của tờ báo. Sau này giữ những cương vị cao hơn, từ Bí thư Huyện ủy đến Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ông vẫn thường xuyên xem báo và có những nhận xét, góp ý cho anh em làm báo hết sức chân tình và bổ ích. Vào tuổi 90 ông vẫn rất minh mẫn, vẫn giữ được phong cách ấy, vẫn xem báo, đọc báo. Ở tuổi là cha, là bác, là chú nhưng với nhà báo nào ông cũng vẫn dành cho tình cảm trân trọng, quý mến như người bạn đồng nghiệp năm xưa của mình.
Nói đến thế hệ các nhà báo đầu tiên của Báo Yên Bái phải nói đến anh Trần Vĩnh Bảo, anh Lê Vân là những Tổng biên tập của báo, sau thời ông Đỗ Khắc Cương là phải nói đến anh Hồ Thức (sau này là Giám đốc Đài phát thanh Yên Bái), Cao Trọng Thụy, An Thế Cường, Nguyễn Viết Hòe. Ông An Thế Cường là nhà báo có học (học đến nơi đến chốn) biết rất sành tiếng Pháp, một nhà báo giỏi thực thụ, rất trí thức, câu chữ, ý tứ trong từng bài báo, từng mẩu tin rất chuẩn mực. Thế hệ làm báo chúng tôi rất kính trọng. Ông An Thế Cường làm nhiệm vụ phóng viên, biên tập viên và trưởng thành là Ủy viên Ban biên tập, Thư ký Tòa soạn.
Một nhà báo khác rất ấn tượng là ông Nguyễn Viết Hòe. Sau khi Yên Bái khởi nghĩa năm 1945 giành được chính quyền, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh đã thành lập ngay bộ phận tuyên truyền dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phúc. Sau đó bộ phận này chính thức là Nha Tuyên truyền có nhiệm vụ xuất bản các bản tin tuyên truyền, lúc đầu dán ở hai nơi là trụ sở Nha Tuyên truyền và rạp hát của ông Tư Đoan ở gần chợ Yên Bái bấy giờ (theo ông An Thế Cường); sau này bản tin được phát hành rộng rãi xuống cơ sở huyện, xã.
Ông Nguyễn Viết Hòe là cán bộ của Nha Tuyên truyền cùng các ông Doãn Kim, Tô Lực, Lê Kha. Khi có tờ tin Yên Bái đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, ông Nguyễn Viết Hòe chuyển hẳn sang làm báo. Có thể nói, ông là nhà báo kỳ cựu nhất của Báo Yên Bái và Báo Hoàng Liên Sơn sau này. Chúng tôi bảo ông là ông nông dân làm báo, bởi lẽ ông sống rất giản dị, khiêm nhường, lúc nào ông cũng đóng bộ quần áo nâu với chòm râu tự nhiên không cắt tỉa. Mỗi chuyến đi cơ sở lấy tài liệu về hoặc sau này làm biên tập, về phòng nghỉ, ông nhấp một hai chén rượu với mấy củ lạc rang, vô cùng giản dị, vô cùng thanh thản.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cùng những năm giải phóng vùng hồ để xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà, ông viết nhiều tác phẩm rất kịp thời và sâu sắc. Khi đó phóng viên chỉ dựa vào đôi chân đi bộ, chiếc xe đạp với phóng viên những năm tháng ấy là cái gì đó hơi xa lạ. Sống, làm việc cùng ông mấy năm trời ở tập thể, tôi vẫn không tìm ra được câu trả lời là ông có biết đi xe đạp hay không?
Ông Nguyễn Viết Hòe không chỉ là phóng viên, biên tập viên bình thường, ông còn là nhà "phê bình” rất sâu sắc và tinh tế. Tôi viết phóng sự điều tra vì sao giá trị ngày công của nông dân thấp, vì sao nông dân bắt đầu chán ruộng. Trong đó có dẫn chứng một hiện tượng xảy ra ở cái xã ngay liền với xã của ông là: Hôm ấy xã có cuộc họp phải mổ lợn, có năm bảy xã viên được điều động đến phục vụ. Thì ra, người đến phục vụ vừa được đánh chén, vừa được HTX trả công điểm - con lợn mổ hôm ấy của gia đình nào đấy cũng được quy thành công điểm. Thế là hạt thóc của hợp tác xã phải cõng trên lưng tất cả những chi phí của một cuộc họp - làm sao giá trị ngày công không thấp, làm sao nông dân không chán ruộng.
Ông Hòe kể lại, vừa nhâm nhi chén rượu với mấy hạt lạc rang, vừa nghe Đài tiếng nói Việt Nam đọc bài báo ấy ông sướng quá vỗ đùi đen đét. Ông nói với tôi: Anh như một thanh nam châm có sức hút cực mạnh, nhiều bài viết của anh có sức hút lớn lắm anh có biết không? Lần khác ông lại bảo, anh biết rút ra những tên tít hấp dẫn quá: "Ghi ở Hội trường Ba Đình - Hà Nội”. Anh dám tuyên bố với bạn đọc rằng tôi ghi ở tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội, tức là ghi ở trong lòng Đại hội VII của Đảng” chứ không phải ghi ở chỗ nào khác. Ai nhìn thấy cái dòng tít đầy kiêu hãnh ấy mà chả đọc. Có thể nói ông là nhà báo, đi cùng báo chí, sống cùng báo chí cho đến ngày cuối cùng của đời mình.
Thế hệ thứ hai của Báo Yên Bái là Phùng Thị Thành, Lưu Thị Minh Khai, là Cao Triệu, là Phẩm Bình… Thuở ấy, nhà báo nữ rất hiếm, có lẽ vì làm báo quá gian khổ, không có cả cái xe đạp mà đi, tất cả trông vào đôi chân với đôi dép lốp. Những ngày ấy cũng là thời kỳ miền Bắc đang phải hứng chịu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Nhà báo phải bám lấy các trận địa pháo, bám từng cung đường "địch phá ta sửa ta đi. Địch lại phá ta lại sửa ta đi”. Nhà báo đến với dân lấy tài liệu phải đem theo gạo, ăn bữa nào trả gạo cho dân bữa ấy vì dân cũng rất khó khăn về lương thực.
Thuở ấy, Báo Yên Bái duy nhất có một phóng viên nữ là Phùng Thị Thành - cô gái xinh đẹp và lanh lợi. Chẳng thể nào quên, hễ có đề tài nào khó, có sự kiện nào hóc búa chưa có phóng viên nào đảm nhận, Phùng Thị Thành xung phong nhận. Cô viết rất nhanh và hay, bài viết của cô bao giờ cũng có giọng điệu riêng mang âm hưởng của nữ giới không bị pha trộn vào đâu. Đến khi đã chững chạc, chồng mất, con lớn, cô chuyển về Báo Giao thông Vận tải và vẫn bám vào mảng đề tài những cung đường đất nước cho đến khi hết tuổi lao động.
Năm 1973, chị Minh Khai, anh Lê Khiêm, anh Vân Sơn tốt nghiệp khóa I Đại học Báo chí (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) được bổ sung cho Báo Yên Bái. Xin được nói thêm Phùng Thị Thành và nhiều phóng viên khác cũng đều là học viên Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương mà ra nhưng khi ấy chưa được gọi chính thức là trường đại học. Thế là báo có được hai nữ phóng viên xinh đẹp và rất giỏi về nghiệp vụ, nhiều bạn đọc đều biết tên, biết tuổi các nhà báo nữ ấy, phần vì giọng điệu bài viết rất nữ tính, phần vì vẻ xinh đẹp và lanh lợi của nhà báo.
Đội ngũ những người làm báo Đảng ở Yên Bái ngày càng được bổ sung đông đảo. Thế hệ thứ 2 của Báo Yên Bái xuất hiện nhiều nhà báo giỏi, có tên tuổi, có tiếng tăm, giành được nhiều giải thưởng báo chí lớn, có uy tín trước bạn đọc và đồng nghiệp. Trong số này phải kể đến nhà báo Bội Đông, Lê Năng, Trường Túy, Trọng Tuệ…
Anh Lê Năng từ một Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy chuyển về làm báo, anh đã sớm khẳng định được tên tuổi của mình bằng những tác phẩm có sức chiến đấu cao, đó là những tác phẩm chống tiêu cực, chống tham nhũng. Có những số báo đăng tác phẩm của anh đã phát hành tới hơn 2 vạn tờ - một kỷ lục chưa từng có của báo Yên Bái.
Thế hệ làm báo Yên Bái hiện nay có thể coi là thế hệ thứ ba, đành rằng sự kế thừa và tiếp nối, những người thuộc thế hệ hai vẫn còn nhưng không nhiều. Thế hệ làm báo hiện nay đông đảo gấp nhiều lần các thế hệ trước, anh chị em còn rất trẻ, được đào tạo bài bản, có kiến thức rộng và tương đối toàn diện. Một đặc điểm lớn nhất của thế hệ thứ ba này là các nhà báo nữ đông hơn nhà báo nam, tất cả đều thể hiện kỹ năng làm báo hiện đại và đang xuất hiện nhiều nhà báo tài năng, làm rạng rỡ thêm truyền thống đội ngũ những người làm báo Đảng.
59 năm Báo Yên Bái, chúng ta chân thành cảm ơn sự chăm lo bồi dưỡng của Đảng, chính quyền và nhân dân đối với tờ báo và những người làm báo. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng đối với các thế hệ nhà báo đã gây dựng và phát triển báo Đảng địa phương từ những ngày đầu, để hôm nay chúng ta được thừa hưởng và tiếp tục sự nghiệp cao quý và vẻ vang ấy.
Hải Đường