Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nghiêm các nội dung công khai để nhân dân biết, nhân dân bàn và quyết định, qua đó tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Điển hình phải kể đến việc tỉnh đã thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, các buổi tiếp công dân của chính quyền cấp xã theo luật định.
Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở khu dân cư, kịp thời xử lý các vướng mắc, giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, góp phần hạn chế các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.
Trong 5 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 9.802 lượt công dân, 136 đoàn đông người đến trụ sở, địa điểm tiếp công dân để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua đó, tiếp nhận 8.452 vụ việc, số vụ việc đã được xem xét, giải quyết là 8.198 vụ việc (đạt 97%), số vụ việc còn lại đang được các cấp, các ngành xem xét, giải quyết theo quy định.
Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh "điểm nóng” về an ninh trật tự.
Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã giúp Yên Bái tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,96%, thuộc nhóm các tỉnh cao nhất cả nước; bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh và đại biểu HĐND cấp huyện và bầu 3.639/3.649 đại biểu HĐND cấp xã; không có đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu phải bầu cử thêm.
Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai thực hiện tốt ở cơ sở nhờ bộ phận phục vụ hành chính công cấp xã, cấp huyện đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch hành chính.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ cơ sở trong thực hiện chủ trương sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố. Thực hiện đảm bảo đầy đủ các chính sách với người có công, người nghèo; công khai, minh bạch, dân chủ việc bình xét hộ nghèo và chi trả chế độ kịp thời; xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố; bầu ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.
Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tự quản ở các khu dân cư, đặc biệt là trong công tác phòng, chống thiên tai, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Tích cực tuyên truyền và triển khai sâu rộng Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua yêu nước, thi đua "Dân vận khéo”, chỉ đạo quyết liệt công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” với những nội dung thiết thực, hiệu quả.
Việc lựa chọn các công trình, hình thức tổ chức xây dựng, các chính sách về huy động nguồn lực đều được tổ chức họp dân để thông báo, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, người dân được tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định, những thắc mắc, kiến nghị cơ bản đều được giải quyết kịp thời.
Qua đó, huy động tốt nguồn lực trong nhân dân, nhất là nguồn lực đâu tư cho xây dụng nông thôn mới. Cụ thể, 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đã huy động người dân đóng góp bằng tiền mặt, vật chất và ngày công lao động xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá lên tới trên 450 tỷ đồng.
Thực hiện QCDC ở cơ sở còn được thể hiện ngay trong việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị đang dần đi vào nề nếp.
Đó là việc tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức trước khi quyết định các vấn đề chung, quan trọng của cơ quan, đơn vị thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được trực tiếp bàn bạc và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan; công khai, minh bạch trong thực hiện kê khai tài sản, việc thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định; cùng với tổ chức công đoàn rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế cho phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan.
Phát huy mạnh mẽ dân chủ, thận trọng, công khai và minh bạch trong công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, nhất là trong thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khóa XI và Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương.
Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai Đề án Đô thị thông minh hướng tới xây dựng chính quyền điện tử; thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thực hiện cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” tại 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, đưa 100% thủ tục hành chính thực hiện giải quyết tại 3 cấp chính quyền, triển khai phần mềm cổng dịch vụ hành chính công, một cửa điện tử từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/4/2019.
Chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân. Qua đó, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chỉ số hài lòng và sự tin tưởng của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thanh Hương