Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 8/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng các vị đại biểu Quốc hội trong và ngoài ngành y phát biểu trước ông đều khẳng định ngành y tế, bộ đội, công an… đã làm hơn 100% khả năng của mình để đẩy lùi dịch bệnh.
Những phân tích của các đại biểu đã "mổ xẻ” thời gian vừa qua dưới góc nhìn của nhiều ngành nghề, nhiều quan điểm cá nhân. Đây là những ý kiến giá trị để Chính phủ, các bộ, ban, ngành và cử tri tham khảo.
Từ kinh nghiệm tham gia chống dịch tại nhiều địa phương, đồng thời tham khảo thực tế ở châu Âu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu 5 đề xuất về phòng chống COVID-19. Trong đó, vị đại biểu nhấn mạnh đến việc giải quyết các chế độ chính sách, những vướng mắc trong ngành y tế.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ: "Khi được cầm những tấm bằng khen trong tôi luôn có 2 luồng tình cảm trái ngược. Vui có nhưng buồn lại phần nhiều hơn. Buồn vì biết bao người xứng đáng hơn tôi lại chưa được ghi nhận, buồn vì biết rằng sau đó mọi chuyện lại vẫn y nguyên. Những thiệt thòi của một ngành mà ai cũng ghi nhận lúc này nhưng hết dịch lại chẳng hề thay đổi", ông Hiếu mong muốn sau đại dịch không thể nào quên này, những chế độ chính sách, những bất cập vướng mắc của ngành y tế sẽ được giải quyết hoặc ít nhất có hướng thoát ra.
"Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo hay thậm chí vướng vào vòng lao lý đều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi sao lại khó vô cùng. Một giám đốc bệnh viện giỏi chuyên môn là rất cần thiết nhưng không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay. Vậy nên, rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men được rõ ràng mà tốt nhất là tách khỏi lĩnh vực chuyên môn", ĐBQH nói.
Ông Hiếu nêu dẫn chứng, vừa qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm ông là giám đốc chuyên môn của bệnh viện hồi sức bệnh nhân COVID-19 và đồng thời bổ nhiệm một giám đốc điều hành khác lo tất cả về hậu cần. Với mô hình mới đấy bệnh viện đã hoạt động trơn tru hiệu quả cho dù thành lập trong hoàn cảnh cấp bách.
Đây là một ví dụ để thấy rằng những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt nếu không muốn những hậu quả lớn hơn.
"Hãy để chúng tôi yên tâm với thu nhập của mình để không còn tủi thân hay lăn tăn với những cám dỗ nhỏ nhặt hàng ngày", đại biểu Hiếu bày tỏ và cho rằng nếu có thu nhập tường minh xứng đáng "chúng tôi sẽ không thua kém những nền y tế tiên tiến trong khu vực", đại biểu Hiếu bày tỏ.
Trước đó, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nêu đề xuất thứ nhất là sau khi đã phủ vaccine như hiện nay, cần tập trung rà soát các lỗ "hổng” trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị COVID tấn công cần có kế hoạch cụ thể cho người lớn tuổi, bệnh nền không ổn định, phụ nữ có thai.
Bảo vệ các bệnh viện và các nhà dưỡng lão tránh nguy cơ biến nơi đây thành ổ dịch. Tiêm vaccine mũi 1 diện rộng sau đó mới tính đến mũi 2, chưa nên tiêm mũi 3 vì tỷ lệ tiêm ở nhiều tỉnh còn thấp.
Nhóm vấn đề thứ hai đại biểu Hiếu đề nghị là triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị COVID trên phạm vi toàn quốc. Không thể để riêng một bộ chủ trì triển khai lĩnh vực quan trọng này. Tránh những hiện tượng đầu voi đuôi chuột của các phần mềm mang tiếng quốc gia trước đây.
"Hiện nay rất nhiều các tập đoàn tổng công ty lớn quan tâm đầu tư bài bản về lĩnh vực này. Rào cản lớn nhất chính là các cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất, các quy định, quy trình còn chưa tường mình dẫn đến hiệu quả còn quá khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin.
Theo cá nhân tôi nên lấy tiêu chí "đơn giản và rộng mở” để triển khai ứng dụng thông tin. Đơn giản là để bất cứ người dân nào cũng sử dụng được và không tốn thời gian nhập dữ liệu. Rộng mở nghĩa là có thể tích hợp với nhiều ứng dụng khác nhau đã đang lưu hành trong thực tế cũng như sẽ xuất hiện trong tương lai", ông Hiếu nói.
Đề xuất thứ ba, theo ông Hiếu là mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa trên các khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng của những nước tiên tiến trên thế giới, không mở ra đóng vào theo cảm tính.
Hiện nay, Việt Nam đã không còn theo đuổi "zero COVID", vì vậy, không cần cách ly đại trà diện rộng với F1, F2, F3. Nếu F1 đã âm tính thì không còn F2, F3 nữa. Cũng không nên dùng thuật ngữ F2, F3 bị cách ly nữa.
"Chúng ta không sợ COVID nhưng cũng không thể chủ quan để dịch bùng phát trên diện rộng. Tôi tin Bộ Y tế đã chuẩn bị những quy tắc này, chỉ cần các tỉnh thành lắng nghe và tin tưởng thực hiện. Thủ tướng cũng đã khẳng định không dùng chiến thuật 'zero COVID' mà mở cửa an toàn với 3 trụ cột và bằng chứng là nền kinh tế đang chao đảo đã có những tia sáng hy vọng thông qua những con số thống kê trong tháng 10 vừa qua", ông Hiếu nói.
Nhóm đề xuất thứ tư, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế các tuyến huyện quận, xã phường. Đây chính là lực lượng chống dịch quan trọng nhất.
(Theo VTC)