Giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu Quốc hội đối với việc quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Quản lý giá 2012 xác định, giao cơ quan quản lý giá đối với giá chuyên ngành về cho ngành quản lý. Ví dụ giá đất giao cho Bộ Tài nguyên môi trường; giá điện, giá xăng dầu giao về Bộ Công thương; giá thiết bị y tế giao cho Bộ Y tế…. Từ quy định đó, Nghị định của Chính phủ đã xác định trách nhiệm quản lý giá, thiết bị y tế thuộc về Bộ Y tế. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 14 năm 2020.
Có lỗ hổng trong quản lý giá thiết bị y tế, giá xét nghiệm
Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều sai phạm về quản lý giá về giá đất, thiết bị y tế, giáo dục… Trước tình hình ấy, Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã bàn và Bộ Y tế xây dựng Nghị định 98 ngày 8/11/2021. Bộ Tài chính tham gia cùng với Bộ Y tế góp ý để đề nghị với Chính phủ thắt chặt lỗ hổng này. Theo Nghị định 98 phải kê khai giá. Khi đã kê khai giá nếu bán giá sai so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng xử lý hình sự.
"Trong kê khai giá yêu cầu nếu thiết bị y tế nhập khẩu phải thông qua giá nhập, các chi phí tính toán hợp lý; nếu sản xuất trong nước phải công khai. Chúng tôi cho rằng đây là điểm bịt được lỗ hổng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
"Về vấn đề loạn giá thiết bị y tế, chúng tôi đã dự báo được tình hình này và đã chỉ đạo Tổng cục thuế, Hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ nâng giá. Chúng tôi đã chỉ đạo để đảm bảo không để lợi dụng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Về vấn đề vướng mắc tài chính cấp huyện, mô hình hiện nay quản lý hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, các bệnh viện cấp huyện do sở y tế quản lý, quản lý tài chính cấp huyện do Sở Y tế quản lý. Y tế cấp huyện vẫn có những thiệt thòi, trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã ở vùng miền núi hết sức quan trọng, nên giao cho huyện, thành phố và xã quản lý, Sở Y tế quản lý về mặt chuyên môn.
Về huy động nguồn lực xã hội ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay đã ban hành luật PPP nhưng vẫn xảy ra sai phạm, do có lỗ hổng gây nên tình trạng trục lợi, có thể nâng giá dịch vụ để ăn chia, trục lợi. Do đó, tới đây sẽ tăng cường thanh kiểm tra, ngăn chặn thất thoát lãng phí, tham nhũng xảy ra.
"Xã hội hóa y tế là mô hình tốt để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, mô hình này dễ xảy ra sai phạm do có những lỗ hổng. Vì vậy cũng cần có xây dựng văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ để xây dựng hướng dẫn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để ngăn chặn thất thoát, lãng phí”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Sẽ thanh tra rất sâu chuyên đề quản lý, sử dụng nguồn lực chống dịch
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm việc phòng chống dịch phải hết sức tiết kiệm vì nước ta đang rất khó khăn. Ông cho biết Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ, Quốc hội cũng giao cho Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022 sẽ thanh tra, kiểm toán rất sâu về chuyên đề huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch để ngăn chặn câu chuyện lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.
"Đề nghị Bộ Y tế với trách nhiệm quản lý Nhà nước cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nội bộ trong ngành để hướng dẫn anh em làm đúng, ngăn chặn kịp thời, còn khi các cơ quan vào cuộc chúng ta phải xử lý”, ông Huệ nói.
(Theo VOV)