Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ bàn về xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/11/2021 | 2:01:34 PM

Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra và sẽ được bàn thảo sâu hơn trong Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11.

Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, người dân có thu nhập cao thì việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ lớn được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra và sẽ được bàn thảo sâu hơn trong Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11 tại Hà Nội.

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng con người.

Chú trọng giá trị con người trong phát triển đất nước

Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đưa ra vấn đề "Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam", nhấn mạnh xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với 7 đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Ðại hội lần thứ XII của Ðảng (2016) yêu cầu "Ðúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

Ðại hội lần thứ XIII vừa qua (2021) nhấn mạnh: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Cần xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam

Kể từ nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cách đây hơn 20 năm, đã có một số công trình nghiên cứu lớn về giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những phương án, chưa đi đến thống nhất. Đại hội XIII đặt ra yêu cầu xây dựng hệ giá trị Việt Nam như một nhiệm vụ cấp bách sau 35 năm đổi mới.

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: "Tất cả sự trải nghiệm của dân tộc, sự còn mất của quốc gia được thử thách trong một bối cảnh hết sức khốc liệt ngày càng cho thấy, nếu không bắt đầu từ văn hóa nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chúng ta không thể đi đến được tương lai".

Hệ giá trị Việt Nam gồm 3 yếu tố cấu thành. Hệ giá trị quốc gia giống như một biểu tượng, thống nhất ý chí của cả dân tộc, hướng tới mục tiêu chung. Hệ giá trị gia đình - tế bào quan trọng nhất của xã hội và cốt lõi nhất là hệ giá trị con người Việt Nam.

"Xét đến cùng giá trị gia đình hay giá trị quốc gia chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở giá trị cá nhân được xác lập. Cốt lõi của nó chính là nhân cách, phẩm giá, lương tâm, danh dự, ý thức trách nhiệm", PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết.

Xác định hệ giá trị là câu hỏi lớn, không thể một sớm một chiều. Trong lúc ấy, rất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, sự gương mẫu trong cán bộ đảng viên và phát huy vai trò của giới văn sĩ trí thức.

Theo các nhà nghiên cứu, những giá trị truyền thống của người Việt cần được phát huy như yêu nước, yêu hòa bình, ý chí độc lập tự cường, đoàn kết, nhân ái và trong thời kỳ mới cần bổ sung những phẩm chất như sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương. Cả trăm triệu người sẽ làm sức mạnh văn hóa dân tộc vĩ đại, vì sự phát triển bền vững đất nước.

Sức mạnh con người Việt Nam trong dòng chảy lịch sử

Trong lịch sử dân tộc, trước mỗi giai đoạn cam go thử thách hay trong gian khó, "sức mạnh mềm" Việt Nam luôn sáng lên. Tinh thần Việt Nam được hun đúc và tỏa sáng qua hàng nghìn năm lịch sử, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, qua 35 năm công cuộc đổi mới đất nước và 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam có tên trong số 52 nước có Chỉ số phát triển con người cao. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những bước tiến ấy, chính là nhờ Đảng phát huy sức lao động sáng tạo của mọi giai tầng xã hội. Sức mạnh mềm, lần đầu tiên được Đại hội Đảng XIII đề cập, để "hiện thực hóa khát vọng hùng cường".

Suốt 2 năm qua, trong cuộc chiến chống COVID-19, cả đất nước cùng đồng lòng chống dịch. Hơn bao giờ hết, sức mạnh nội sinh của dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ. Mọi giai tầng trong xã hội, từ những người ở tuyến đầu đến những người dân: già, trẻ, gái, trai đều mang trong mình tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân. Những giá trị, tinh thần tốt đẹp sẽ thôi thúc mỗi người Việt cống hiến hết mình trong lao động và sáng tạo, vì một Việt Nam cường thịnh, phồn vinh và hạnh phúc.

(Theo VTV)

Các tin khác

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đến hết quý 1, thành phố Yên Bái đã có 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm theo Kế hoạch hành động số 236 của Thành ủy; 17 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục