Bà Hoàng Thị Hồng Phóng - Phó Chủ tịch HĐND huyện cho biết: "Thực hiện kế hoạch giám sát năm 2021, trong năm, chúng tôi đã giám sát tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) các năm 2018, 2019, 2020 tại các xã Sùng Đô, Nậm Mười, Cát Thịnh, Suối Giàng và Hạt Kiểm lâm huyện.
Qua giám sát cho thấy, cơ bản các đơn vị chủ rừng (bao gồm là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, UBND cấp xã trên địa bàn huyện được giao quản lý rừng để hưởng lợi DVMTR) đã triển khai thực hiện đầy đủ các hạng mục công việc, hồ sơ chứng từ sử dụng tiền DVMTR, đúng mục đích theo từng hạng mục giao, thực hiện chi trả các hạng mục theo đúng Nghị định số 156 của Chính phủ và Kế hoạch được phê duyệt theo từng loại hình hoạt động của đơn vị”.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Văn Chấn đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao rõ nét; nhân dân tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phòng chống cháy rừng… Số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng hàng năm tại các địa phương giảm đáng kể.
Tính riêng trong vụ hanh khô 2021 - 2022, toàn huyện đã cấp phát trên 8.000 tờ rơi về chính sách chi trả DVMTR, tổ chức trên 200 hội nghị cấp thôn bản, với trên 27.000 lượt người tham gia nhằm tuyên truyền, ký cam kết thực hiện các quy định bảo vệ rừng, duy trì 213 tổ đội xung kích chữa cháy rừng.
Ông Vàng Vảng Chống - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: "Qua theo dõi, giám sát cho thấy việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chi cho công tác bảo vệ rừng còn hạn chế; đặc biệt, nâng cao được hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép; góp phần cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và ổn định đời sống của những người làm nghề rừng trên địa bàn”.
Cùng với đó, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng, hơn nữa nhiều cộng đồng thôn, bản đã xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế, công trình phúc lợi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình; xây dựng được quỹ chung, sử dụng vào hoạt động hỗ trợ tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng nhiều hạng mục phục vụ dân sinh như: xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông, hội trường thôn bản… và duy trì phong trào chung của thôn, bản.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở các địa phương vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tiền DVMTR chậm, thời hạn giao khoán trong hợp đồng chưa đúng theo quy định tại Nghị định số 168 của Chính phủ; việc chi trả tiền cho các đơn vị nhận khoán chưa đúng quy định và chưa đúng theo đối tượng, chủ thể tham gia ký hợp đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
HĐND huyện đã tổng hợp, báo cáo đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để tham mưu với UBND huyện làm tốt một số nhiệm vụ như: các chủ rừng cần thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng nguồn tiền DVMTR được thụ hưởng hàng năm; cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị chủ rừng cần chủ động thẩm định, phê duyệt kế hoạch thu chi hàng năm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện chi trả tiền DVMTR đảm bảo nội dung theo kế hoạch giao, phù hợp với tình hình thực tế.
UBND huyện và Hạt Kiểm lâm huyện cần tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp định kỳ để nắm bắt kết quả đạt được và đề ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR với nhiều hình thức đa dạng để chính sách đi vào cuộc sống.
Văn Tuấn