Quốc hội sẽ xem xét dự luật Khám chữa bệnh trong năm 2022

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2022 | 2:44:59 PM

Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại phiên họp sáng 17/2, Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho ý kiến dự luật này tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10). Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý phải bảo đảm chất lượng dự án luật. Do đây là dự luật quan trọng và cấp bách "nên cần tập trung ưu tiên để trình đúng thời hạn".

Lãnh đạo Quốc hội đề nghị ban soạn thảo là Bộ Y tế phải làm rõ một số vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách trong công tác khám chữa bệnh vì thời gian qua có nhiều vụ nổi cộm. Lần sửa luật này phải đảm bảo công khai, minh bạch, có khuôn khổ pháp lý thực hiện.

Dự thảo cũng cần làm rõ sự khác nhau giữa y tế dự phòng và khám chữa bệnh; thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh... do nội dung này còn chồng chéo, chưa rõ. Đơn cử như y tế dự phòng phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, còn khám chữa bệnh dùng Quỹ Khám chữa bệnh của Bảo hiểm Y tế theo nguyên tắc đóng hưởng.

Theo ông Huệ, các quy định về tài chính ngân sách liên quan trang thiết bị y tế và hoạt động khám chữa bệnh còn "rất chung chung". "Bộ Y tế quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh nhà nước. Vậy giá dịch vụ khám chữa bệnh ở cơ sở tư nhân thì ai quyết định. Họ có tự quyết được không?", ông băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ các điều kiện của cơ sở khám chữa bệnh phi lợi nhuận vì hiện nay những nơi này không phải đóng thuế chênh lệch thu chi trong khi các cơ sở khác lại phải đóng...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong dự luật, Chính phủ làm rõ và bóc tách nguồn lực cho y tế dự phòng và khám chữa bệnh trên nguyên tắc khám chữa bệnh chi bằng Bảo hiểm Y tế còn y tế dự phòng chi bằng ngân sách. Hiện, Chính phủ xây dựng luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi để quy định rõ vấn đề này.

Theo ông Long, giá dịch vụ tại cơ sở tư nhân là vấn đề khó, nếu đưa ra khung cứng thì sẽ không tạo ra cạnh tranh, không phát triển lĩnh vực này. Trong khi nếu không quy định thì có thể không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

"Hiện nay trong bốn yếu tố cấu thành giá, gồm chi phí trực tiếp cho người bệnh, chi phí tiền lương, khấu hao thiết bị và chi phí quản lý thì Chính phủ mới tính được hai yếu tố, còn hai yếu tố nữa trong năm nay sẽ cố gắng tính đúng, tính đủ để đảm bảo cho hệ thống y tế phát triển", lãnh đạo ngành Y tế nói.

Ông cũng thông tin, giá ở cơ sở y tế nhà nước hiện nay chưa tính tới lợi nhuận và Bộ Y tế sẽ tiếp thu để quy định trong dự luật. Bộ cũng đang xây dựng luật về Trang thiết bị y tế trong đó quy định cụ thể về giá, cấp phép, đấu thầu...
(Theo VnExpress)

Các tin khác
Quốc lộ 279 - đoạn qua Đèo Tằng Quái nối huyện Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Quốc lộ 279 là một con đường lịch sử, gắn với cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc tháng 2.1979 của Quân đội và Nhân dân Việt Nam

Vũ khí của địch bị bộ đội Việt Nam thu được tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, tháng 2/1979.

Cuộc chiến đấu này thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Bình thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Mỹ Gia.

Đảng bộ huyện Yên Bình đề ra 50 chỉ tiêu với các nhóm giải pháp thiết thực theo hướng phát huy sức mạnh nội sinh, biến tiềm năng thành lợi thế, quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2022.

Thực hiện công tác tiếp công dân theo luật định, năm 2021, Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh đã tiếp 69 lượt với 74 công dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục