Với họ, vào Đảng là niềm tự hào, được Đảng giáo dục rèn luyện để trưởng thành là lẽ sống. Đảng viên lão thành, già làng Mùa A Ly ở chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Còn gì tự hào, vinh dự hơn khi gia đình mình đều là những người ưu tú được Đảng tin yêu, được dân lựa chọn. Riêng họ nhà mình đủ điều kiện để thành lập chi bộ khi có 9 đảng viên là con, là cháu ruột của mình. Còn gì vui hơn khi người cùng gia đình, cùng dòng họ chia sẻ việc thôn, việc bản giúp quê hương phát triển hơn”...
Trước đây, đồng bào Mông chòm Cu Vai ở chân núi kế bên. Họ gắn bó với mảnh đất ấy hàng trăm năm. Khi núi có dấu hiệu bị sạt lở, một số gia đình đề nghị chính quyền địa phương tìm cách kè núi để tiếp tục sinh sống chứ nhất định không chịu di cư đến nơi ở mới đã được huyện quy hoạch vì cái lý của người Mông là đã gắn bó với "thần rừng” "ma rừng” ở chân núi này, nơi đã sinh ra họ, nuôi sống họ, chuyển đến nơi khác sợ không may.
Chưa kể, chuyện dỡ nhà, chuyển nhà và làm lại nhà mới trên nơi ở mới không hề đơn giản. Già làng Mùa A Ly đã thấm nhuần nghị quyết của Đảng, yêu cầu con trai mình - một đảng viên đã trưởng thành trong môi trường giáo dục thời kỳ đổi mới cùng ông đến từng gia đình, gặp từng người để vận động.
Đảng viên Mùa A Dình - con trai ông Mùa A Ly đang sinh hoạt ở Chi bộ Trống Khua, xã Xà Hồ chiều nào hết giờ làm cũng ngược núi về bản cùng ông Ly đi vận động.
Anh Dình chia sẻ: "Lớn lên ở đây nên mình hiểu, đồng bào mình thật thà, muốn giữ gìn tập tục và ngại thay đổi. Tuy nhiên, nếu họ đã hiểu mọi việc là vì lợi ích của chính họ thì sẽ đồng tình ủng hộ. Vì vậy, mình phải kiên trì”.
Kiên trì vận động rồi ông Ly và con cháu trong gia đình, dòng họ nhà mình tiên phong dỡ nhà chuyển trước dưới sự giúp đỡ của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang huyện Trạm Tấu.
Ông Ly chuyển nhà và nói với đồng bào mình: "Sinh mạng quý giá hơn tất cả mọi thứ. Nếu đỉnh núi kia sập xuống thì cả bản làng này sẽ bị chôn vùi, không còn gì để bắt đầu lại, chưa kể đỉnh núi nơi chúng ta định cư mới đã được san phẳng. Tất cả chúng ta được ở quây quần giúp đỡ lẫn nhau. Huyện đã tính toán mọi phương án để cho Cu Vai phát triển”.
Và đúng như dự liệu, ông Ly - người được người Mông Cu Vai gửi niềm tin đã lại giành thắng lợi trong cuộc chiến tư tưởng. Năm 2011, người Mông Cu Vai đã có ngày hội chuyển bản, chuyển làng, cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương huyện Trạm Tấu "dời non, lấp núi” về nơi ở mới, chăn nuôi, trồng trọt và trồng hoa đào, phát triển du lịch.
Hôm nay, Cu Vai được nhiều du khách ví như "thiên đường nơi hạ giới”, mảnh đất "níu gió, vờn mây” ngập sắc đào phai vấn vương mỗi độ xuân về. Già làng Mùa A Ly chia sẻ: "Trước khi họp dân, những đảng viên trong gia đình đã ngồi họp bàn với nhau lên mọi phương án, kể cả phương án sau khi về nơi ở mới có khó khăn gì để tính toán trước. Với người Mông, mọi việc phải mắt thấy, tay sờ, nhìn thấy thực tế dân mới tin. Vì vậy, khi về nơi ở mới, chúng tôi đã cùng dân bản khắc phục khó khăn để Cu Vai có ngày hôm nay”.
Cu Vai như một trang sách đẹp và những người đầu tiên đặt bút vào trang sách ấy chính là những đảng viên trong gia đình ông Mùa A Ly. Người tuyên truyền giỏi, người chăn nuôi giỏi, người trồng hoa giỏi.
Bí thư Chi bộ thôn Háng Xê Mùa A Vàng cho biết: "Già làng Mùa A Ly là niềm tự hào của bản làng. Ông là một đảng viên ưu tú luôn tiên phong gương mẫu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Già còn thắp lên ngọn lửa niềm tin cho thế hệ trẻ để họ tin yêu vào Đảng. Từ một chi bộ khó khăn trong việc kết nạp đảng viên. Nhờ có sự giáo dục của già Ly, thế hệ trẻ đã nỗ lực rèn luyện, nay cả Chi bộ có 31 đảng viên. Nhiều đảng viên thuộc dòng họ của già Ly đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của quê hương”.
Cả gia đình, con cháu 9 đảng viên sinh hoạt ở các chi bộ khác nhau thuộc Đảng bộ xã Xà Hồ và các chi bộ của các địa phương khác. Song, khi có những chính sách mới cần phải triển khai, khi có những hộ gia đình chưa hiểu chủ trương, gây khó khăn cho cán bộ, thì ông Ly và các con lại cùng nhau vào cuộc, làm tuyên truyền viên cho Đảng ủy, chính quyền địa phương. 85 năm tuổi đời, 49 năm tuổi Đảng, tình yêu với Đảng luôn ở trong trái tim già Ly.
Những ký ức về những tháng ngày nghe cha ông kể về cuộc chiến của đồng bào Trạm Tấu lên đồn đánh đuổi thực dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn. Những vết sẹo chai sần trên vai ông nội ông Ly năm nào là bằng chứng của những tháng ngày trốn chui trốn lủi trên chính mảnh đất quê mình để kiếm ăn khiến ông càng trân trọng hòa bình.
Rồi hình ảnh những cán bộ miền xuôi ngày đêm bám bản cùng dân trồng lúa, trồng ngô, phá đá, mở đường đến trầy chân, sứt gối hằn sâu trong tâm trí ông. Vì vậy, khi còn là lãnh đạo xã Xà Hồ, ông là người vô cùng quyết liệt cùng cấp ủy, chính quyền địa phương bài trừ hủ tục.
Ông cũng giáo dục những người con của mình phải rèn luyện để vào Đảng, vào Đảng để tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện để trưởng thành, sống có ích cho quê hương.
Ông Giàng A Sinh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ là lớp cán bộ kế nhiệm già Ly chia sẻ: "Khi còn trẻ, tôi cũng đã từng đặt ra câu hỏi vào Đảng để làm gì, có tốt hơn không, có giàu có hơn không? Tuy nhiên, khi làm việc và tiếp xúc với những người như già làng Mùa A Ly, tôi tự trả lời được những câu hỏi đó. Nếu sống chỉ vì mình thì sẽ không có bản làng, Tổ quốc tươi đẹp này và trách nhiệm của thế hệ chúng tôi là phải để lớp trẻ hiểu ra chân lý đó”.
Từ những việc làm nhân văn của già làng Mùa A Ly và gia đình ông mà việc phấn đấu trở thành đảng viên trở thành phong trào thi đua của các gia đình dòng họ khác. Nay, Xà Hồ còn có gia đình đảng viên Mùa A Vư ở Chi bộ Háng Xê, gia đình đảng viên Hờ A Su ở Chi bộ Trống Khua, gia đình đảng viên Sùng A Tồng ở Chi bộ Tà Đằng, gia đình đảng viên Giàng A Sinh ở Chi bộ Sáng Pao...
Mỗi đại gia đình đảng viên đó đều có những người con ưu tú. Họ là những người lính bảo vệ nơi biên cương Tổ quốc, là thầy giáo, cô giáo gieo chữ ở những bản làng vùng cao, hoặc là cán bộ cốt cán của địa phương hay là những đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi ngay tại quê hương. Rất nhiều những thanh niên trẻ ở chòm Cu Vai và cả xã Xà Hồ hôm nay không còn đặt câu hỏi vào Đảng để làm gì bởi những việc làm của bậc cha, bậc chú đã tiếp thêm cho họ quyết tâm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để được Đảng giáo dục, rèn luyện trở thành người có ích cho quê hương.
Đồng chí Mùa A Câu - đảng viên mới của Chi bộ Háng Xê chia sẻ: "Tôi rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi sẽ tiếp nối truyền thống của gia đình vận động đồng bào bài trừ hủ tục, xây dựng bản làng ấm no hơn”.
Nhiều năm nay, Đảng bộ xã Xà Hồ không còn khó khăn trong việc phát triển đảng viên mới. Năm 2021, Đảng bộ xã kết nạp 10 đảng viên mới, bằng 111% nghị quyết; 3 tháng đầu năm 2022, kết nạp được 5 đảng viên mới, bằng 55,5% kế hoạch năm, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 186 đồng chí.
Đồng chí Hờ A Vư - Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ cho biết: "Những đại gia đình đảng viên ở Xà Hồ đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của địa phương, không chỉ là giáo dục được những người con ưu tú có đạo đức, có trí tuệ, tạo nguồn cán bộ kế cận cho địa phương mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện thành công nghị quyết của đảng bộ các cấp, góp phần rất lớn vào việc ổn định an ninh trật tự, chống lại đạo lạ và các âm mưu chia rẽ của kẻ thù”.
Chia tay Xà Hồ - nơi những đỉnh núi cao vời vợi cùng những bản làng ẩn hiện trong sương chiều, già làng Mùa A Ly nắm tay tôi thật chặt và không quên nhắc lại: "Đảng là cuộc sống của tôi. Cuộc sống của đồng bào vùng cao Cu Vai, Xà Hồ và ở nhiều nơi khác đổi thay là nhờ có Đảng. Tôi vẫn nói với đồng bào mình rằng, niềm tin vào con đường của Đảng không phải là gì trừu tượng, khó hiểu mà đơn giản là quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng ấm no hơn”.
Phương Thùy (Trung tâm TT&VH huyện Trạm Tấu)