Đánh giá cán bộ bằng năng lực, trình độ, phẩm chất; đặt cán bộ đúng vị trí; tạo môi trường, cơ hội để cán bộ rèn luyện... chính là những yếu tố căn cốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ, hoàn thiện "gốc của công việc”.
Tăng niềm tin nơi dân
Việc tỉnh Yên Bái chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc luân chuyển cán bộ từ nơi khác về giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy đã tạo nên đột phá trong công tác cán bộ, mang đến những luồng gió mới cho cơ sở, tạo được sự đồng thuận, tăng niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng được đổi mới rõ rệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền, không để tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo.
Những cán bộ qua quá trình luân chuyển đều khẳng định được mình bằng năng lực, uy tín. Đó là yếu tố bền vững nhất để các đồng chí bí thư cấp ủy dù không phải là người địa phương nhưng vẫn bồi đắp niềm tin nơi tập thể cán bộ, đảng viên và thu được những "lá phiếu tín nhiệm” từ đảng viên, quần chúng nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Quynh - Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Công tác lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý được đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ, khách quan tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tập thể lãnh đạo. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ như: luân chuyển dọc từ huyện về xã, từ xã về huyện, luân chuyển ngang từ xã này sang xã khác...".
Tỉnh Yên Bái chú trọng đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn. (Trong ảnh: Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai Triệu Văn Huấn (thứ nhất, bên phải) cùng lãnh đạo huyện Lục Yên nắm bắt tình hình sản xuất của người dân).
Sau thời gian luân chuyển, cán bộ đã trưởng thành hơn; cán bộ đã đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ; nề nếp, phong cách, lề lối làm việc đội ngũ cán bộ, công chức đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Từ sự "bỡ ngỡ, dè dặt” của cán bộ khi về cơ sở, cho đến những nghi ngại của chính cơ sở đối với cán bộ khi không phải là người địa phương..., nhưng khi được giao trọng trách, họ luôn luôn tâm niệm phải làm việc hết sức mình, tìm tòi những cách làm mới và gắn bó với địa phương như chính người địa phương, để góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển hơn. Khó khăn, thách thức ở cơ sở có rất nhiều nhưng cũng chính là môi trường để cán bộ trưởng thành nhanh nhất.
Đồng chí Trịnh Xuân Thành - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Văn Chấn là cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương, Suối Quyền, rồi Phó ban Tổ chức Huyện ủy, dù bất cứ cương vị công tác nào cũng luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, cống hiến hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Thành chia sẻ: "Khi được điều động về cơ sở, thường xuyên gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn cơ sở và hết lòng với trách nhiệm với công việc giao; phải am hiểu phong tục, tập quán của người dân; nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương, phong cách lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân. "Nói đi đôi với làm” cần xác định công việc cụ thể để quyết tâm hoàn thành, không được để mất lòng tin và giữ mối liên hệ mật thiết với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó sẽ được nhân dân tin yêu và quý trọng. Đó chính là bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ở cơ sở đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay”.
Những chuyển biến tích cực, toàn diện ở các địa phương thời gian qua có không ít dấu ấn của cán bộ không phải người địa phương. Đó là khắc phục đáng kể tư tưởng làm việc trì tuệ, bảo thủ, cục bộ địa phương, tạo nên những thay đổi tích cực trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng khoa học hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhiều xã từ khó khăn đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới, không ít xã có vấn đề nổi cộm nay đã đoàn kết, thống nhất cùng nhau xây dựng xã, huyện ngày càng phát triển.
Đồng bộ các giải pháp
Đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay. Theo đó, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với chủ trương người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương.
Nhất là từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tỉnh Yên Bái đã đưa công tác này trở thành nề nếp thường xuyên trong công tác cán bộ.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã lựa chọn, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử trên 400 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phù hợp với chủ trương của Trung ương. Đến nay, đã bố trí 46% bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã và 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố; bí thư cấp ủy là chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tại 156/173 xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, cán bộ được tuyển chọn, bố trí, sử dụng đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, phát huy được năng lực, sở trường công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ giao.
Đánh giá về công tác cán bộ của tỉnh thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định: Yên Bái luôn coi công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có vị trí then chốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong quá trình thực hiện, tỉnh luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy trình quy định; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý.
Để đánh giá sát, đúng, cán bộ phải luôn bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân và của cán bộ, đảng viên và phải thông qua những sản phẩm cụ thể trong thực tiễn. Chú trọng vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị địa phương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cùng với đó, chú trọng yêu cầu rèn luyện, đào tạo cán bộ trong thực tiễn, gắn với thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn và từng bước bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ; đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát, bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; đảm bảo thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với cán bộ; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh xác định một trong những khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thời gian tới, tỉnh quan tâm tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác cán bộ, nhất là việc thực hiện có hiệu quả công tác tuyển chọn cán bộ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ, đặc biệt là tuyển chọn cán bộ. Tiếp tục đổi mới cơ chế, cách thức tuyển chọn theo hướng mở rộng, minh bạch để lựa chọn cán bộ có tố chất, triển vọng, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; tạo điều kiện thu hút, lựa chọn được người có tài năng vào làm việc, cống hiến trong cơ quan Nhà nước.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả việc nhận xét, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, toàn diện, nhiều chiều, bằng "sản phẩm cụ thể”, đánh giá đúng cán bộ để tuyển chọn đúng cán bộ. Đổi mới quy trình, thống nhất giữa các khâu trong công tác cán bộ từ phát hiện, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo đến đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng... đảm bảo đồng bộ, chính xác, khách quan, công tâm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và phát triển nguồn nhân lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Đức Toàn