>> Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường
Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của Đảng bộ huyện Lục Yên trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm qua?
- Ngày 22/4/1947, Tỉnh ủy Yên Bái ra Nghị quyết thành lập Ban Huyện ủy Lục Yên gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Hữu Minh làm Bí thư, Đảng bộ huyện được thành lập đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của nhân dân các dân tộc trong huyện. Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ huyện Lục Yên đã phát huy vai trò lãnh đạo, ý chí tự lực, tự cường, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng vùng tự do thành hậu phương kháng chiến và diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đã chủ động, sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Điều đáng mừng, phấn khởi và tự hào đó là đã khơi dậy được sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương, xứng danh là những "người con” của mảnh đất vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”.
Bám sát chương trình hành động của Tỉnh ủy, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Yên chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai một cách nghiêm túc, bài bản, hiệu quả. Chương trình "Ngày cùng dân” thường xuyên được tổ chức tạo sự gắn kết, xây dựng hình ảnh đẹp về người đảng viên tiên phong, gương mẫu, người cán bộ "trọng dân, gần dân, hiểu dân và trách nhiệm với dân”.
Chính từ đó, khơi dậy được sức dân cùng chung sức, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nổi bật là phong trào vận động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới, trong năm 2020 và 2021, người dân trên toàn huyện đã tự nguyện hiến trên 550.000 m vuông đất các loại, chặt hạ trên 300.000 cây cối, phá bỏ gần 23.000 m vuông tường rào, vật kiến trúc để mở rộng gần 200 km đường giao thông. Đến nay, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tình hình phát triển kinh tế có nhiều khởi sắc, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được quan tâm; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2021 đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 40,5 triệu đồng/người, tăng 18,7 triệu đồng so với năm 2015 (tương đương tăng 46,2%).
Vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh được hình thành rõ nét, bước đầu đạt kết quả khả quan như: vùng trồng cây ăn quả có múi; vùng trồng tre măng; lúa hàng hóa; trồng lạc...; xây dựng được 13 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo; giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay có 38 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 74,5%; chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 99,35%; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được quan tâm, chú trọng; tuổi thọ trung bình người dân trên địa bàn huyện đạt 74 tuổi; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực; an ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, từ Ban Huyện ủy có 3 đảng viên, đến nay, trải qua 22 kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện có 42 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 319 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 6.666 đảng viên. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; lãnh đạo thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng.
Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Huyện ủy Lục Yên trò chuyện với người dân thôn São, xã Tân Lập về việc hiến đất làm tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh.
Những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện là gì, thưa đồng chí?
- Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế Đảng bộ huyện Lục Yên đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy các cấp; chủ động khắc phục kịp thời những khuyết điểm, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nắm chắc tình hình và nâng cao năng lực giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, tổ chức đảng.
Hai là, phải quyết tâm cao, sáng tạo, kịp thời trong việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp trên vào điều kiện thực tiễn của địa phương; chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo tình hình, không để bị động, bất ngờ, kịp thời điều chỉnh công tác lãnh đạo của cấp ủy, bổ sung các nhiệm vụ phát sinh, nhiệm vụ mới và xác định giải pháp thực hiện phù hợp, quyết liệt, kiên trì đảm bảo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đảm bảo kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Ba là, phải khơi dậy được ý chí, khát vọng phát triển của nhân dân và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương để tạo thành sức mạnh nội sinh. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc”, "tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, huy động sức mạnh của toàn dân”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể và động lực quan trọng đưa đến thành công.
Bốn là, phải bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường; trước mắt và lâu dài; lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; giữa khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Năm là, công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của mọi then chốt”, phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ, sử dụng hợp lý, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ; khắc phục tư tưởng bằng lòng, ngại thay đổi, cục bộ, trì trệ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị.
Xin đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Đảng bộ?
- Kế thừa và phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đảng bộ huyện Lục Yên tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu xây dựng huyện Lục Yên đến năm 2025 cơ bản trở thành huyện nông thôn mới. Huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó, xác định rõ vai trò chủ thể của người dân là đột phá then chốt theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" thực hiện tốt nguyên tắc "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng; công tác dân vận của hệ thống chính trị. Phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng phát triển xanh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhanh, bền vững. Xây dựng sản phẩm du lịch Lục Yên độc đáo, đặc trưng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá của tỉnh phù hợp với định hướng phát triển của huyện.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc, tham gia xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, có ý chí, khát vọng vươn lên nhằm tạo sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách, pháp luật về các vấn đề xã hội, an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự giác, tự lực, vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản gắn với giải quyết tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách tư pháp; phòng ngừa và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Giang (thực hiện)