Kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022)

Bến Âu Lâu huyền thoại

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2022 | 4:17:22 AM

YênBái - Trong không khí chào đón lễ kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tôi về thăm bến cũ Âu Lâu lịch sử - nơi mà gần 70 năm về trước tiễn đưa đoàn quân cách mạng với vũ khí, đạn dược vượt núi, băng rừng lên Tây Bắc, với tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" quyết chiến với thực dân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Xã Âu Lâu - xã Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao năm 2020.
Xã Âu Lâu - xã Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao năm 2020.

Dòng sông Hồng vẫn đỏ lặng phù sa nhưng nhịp sống đôi bờ đã có nhiều khởi sắc. Phường Nguyễn Phúc - nơi có tượng đài lịch sử đã mang bóng dáng đô thị văn minh, phát triển. Phía bên kia, xã Âu Lâu anh hùng trong lửa đạn giờ đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao. 

Là một tỉnh nằm ở cửa ngõ từ Việt Bắc sang Tây Bắc, Yên Bái được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh quân đội giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang, đó là huy động nhân lực, phương tiện mở đường, đảm bảo giao thông, cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, tỉnh Yên Bái đã mở mới, nâng cấp tuyến đường từ bến phà Hiên (huyện Yên Bình) đi Ba Khe, đến đường số 41 (Ngã ba Cò Nòi - Sơn La). 

Từ tháng 8 đến hết tháng 10/1953, tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt người, 273.197 ngày công, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lún sạt và chống biệt kích và máy bay địch bắn phá và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trước thời hạn một tháng; làm mới và sửa chữa 188 km đường, mở thông con đường từ căn cứ địa Việt Bắc tới mặt trận.

Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân và dân Yên Bái phải bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận, trong đó bến phà Âu Lâu vượt sông Hồng trên tuyến đường 13A là một đầu mối giao thông quan trọng, xung yếu trên con đường chuyển quân, lương thực, vũ khí, đạn dược từ các tỉnh Việt Bắc và trung du Bắc Bộ sang chiến trường Tây Bắc. 

Bến Âu Lâu trước đây có tên gọi là Bến Vạn Lâu nằm trên địa bàn 2 xã Nam Cường và Âu Lâu thuộc huyện Trấn Yên (nay thuộc thành phố Yên Bái). Phương tiện vận chuyển phà ngày ấy rất thô sơ, chủ yếu là đò gỗ kéo tay; sau được tăng cường thêm 2 chiếc phà dùng ca nô đẩy, trọng tải tối đa 12 tấn. Để đảm bảo an toàn, ban ngày phà được kéo vào Ngòi Lâu cất giấu, ban đêm mới chuyên chở phương tiện và vũ khí cho chiến dịch. 

Ông Nguyễn Quang Bây - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Trấn Yên kể lại: Từ tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các con đường lên Tây Bắc. Giặc Pháp muốn dùng bom đạn để biến sông Hồng thành hàng rào chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến. Bến phà Âu Lâu trở thành "toạ độ lửa”. 

Để đối phó với địch, vào thời gian cao điểm, ngoài việc vận chuyển bằng phà, tỉnh đã huy động nhân dân trong vùng khai thác, đóng góp hàng chục vạn cây tre, nứa, gỗ ghép thành cầu phao bắc qua sông Hồng; mở thêm nhiều bến đò ngang và bố trí hàng trăm thuyền nan, thuyền gỗ để vận chuyển, đưa bộ đội và hàng qua sông nhanh chóng, an toàn. 

Dân công từ Bái Dương, Phạm Hồng Thái, Y Can… ngày đêm chặt tre, vầu đóng bè xuôi về Âu Lâu làm cầu phao; hàng chục nông dân xã Âu Lâu dũng cảm chèo đò đưa bộ đội qua sông bất chấp nguy hiểm từ mưa lũ và bom đạn của kẻ thù. Từ tháng 4/1952 cho tới khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn.

Bến Âu Lâu ngày nay đã đi vào lịch sử. Tại đây đã đặt tượng đài "Bến Âu Lâu lịch sử” với hình tượng người thợ phà tay giữ mỏ neo, một phụ nữ tay nắm chắc mái chèo và một anh bộ đội trong khí thế hào hùng. Ba nhân vật đứng trên đài hoa cách điệu cùng những bức phù điêu miêu tả cảnh thuyền phà vượt sông, cảnh xe ra tiền tuyến, cảnh phá đá mở đường tiến quân vào Tây Bắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây mãi mãi là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái.

Tấn Đạt

Các tin khác

Ngày 5/5, Đoàn công tác của HĐND tỉnh do đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh đã giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố tại huyện Lục Yên.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 5/5, đoàn công tác của Tỉnh ủy Yên Bái do đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 tại Công an tỉnh.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên (Yên Bái) thăm, kiểm tra mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành.

Tổ chức cơ sở Đảng là nơi nắm vững, lãnh đạo, bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nư­ớc; đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở là “gốc rễ” của “thân cây hệ thống chính trị” bám vào "mảnh đất" thực tiễn và lòng dân.

Sáng 5/5, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng” kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, thời gian từ ngày 14/5 đến 27/7/2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục