Tối 30-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822- 1/7/2022) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, Bến Tre).
Dự Lễ kỷ niệm còn có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước, các nhà khoa học quốc tế…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, tại Lễ kỷ niệm hôm nay UNESCO đã thông qua Nghị quyết và cùng tổ chức tôn vinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Đây là niềm vinh dự, tự hào của dân tộc Việt Nam.
Theo Chủ tịch nước, cuộc đời của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã toát lên nhân cách văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Điều chúng ta lĩnh hội, thấm sâu nhất của cuộc đời, tác phẩm của cụ là tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần chiến đấu không khoan nhượng vì đạo lý tinh thần vượt khó, sáng tạo nghệ thuật và học tập suốt đời.
Chủ tịch nước khẳng định, Nguyễn Đình Chiểu là di sản cha ông không chỉ là người Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào mà còn được bạn bè quốc tế biết đến và ngưỡng mộ; Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, tôn kính hiền nhân luôn là truyền thống quý báo của dân tộc ta.
Với Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta đã thực hiện nhiều công việc đầy ý nghĩa như xây dựng, xếp hạng Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO vinh danh, cùng kỷ niệm 200 ngày năm sinh của ông, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay.
Chủ tịch nước phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Nguyễn Đình Chiểu sinh ra ở Gia Định nay là TP.HCM, quê gốc ông tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng Bến Tre mới là mảnh đất gắn bó với ông và suốt cuộc đời. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau.
Về với quê hương Bến Tre - Đồ Chiểu, quê hương Đồng Khởi anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Nhất là thời gian gần đây Bến Tre có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhiều công trình, dự án đang được đầu tư xây dựng: Công trình cầu Rạch Miễu 2, các công trình Điện gió,… Phong trào thi đua Đồng Khởi mới góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Đại diện UNESCO trao Nghị quyết công nhận Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa thế giới
Chủ tịch nước nhấn mạnh, những kết quả đó đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước và đã thể hiện bản sắc văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, xây dựng quê hương Bến Tre - Đồ Chiểu trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030, phát triển vùng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
"Chúng ta hôm nay Kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Cụ đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại nhưng cũng là để tìm ra di sản của Cụ, nhưng kinh nghiệm và bài học quý báo cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai” – Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại đền thờ Cụ Nguyễn Đình Chiểu
Chủ tịch nước đề nghị, các Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu, tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước…
Đồng thời, các cơ quan phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn mới, chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nghiên cứu, sáng tác văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu, thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu…
Chủ tịch nước cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu và thân tộc
Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, người dân Bến Tre luôn xác định Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng của vùng đất ba dãy cù lao. Lịch sử và tâm thức người dân Bến Tre luôn khắc ghi tư tưởng và nhân cách của ông.
Ông Tam nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre nguyện tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, nhân cách của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, để tinh thần Đồng Khởi chống giặc ngoại xâm được lan tỏa hiệu quả trong phong trào thi đua "Đồng Khởi mới” trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng thời phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong xây dựng văn hoá, con người Bến Tre; Tạo điều kiện cho văn hóa thấm sâu và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển Bến Tre phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan quyển sách khổ lớn về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được trưng bày tại đền thờ Cụ
Trước khi vào buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước đã đến dâng hương tại đền thờ chính Cụ Nguyễn Đình Chiểu, viếng mộ Cụ và thân tộc.
(Theo PLO)