Cũng như bao xã miền núi khác, khi triển khai XDNTM, xã Việt Hồng cũng gặp khó khăn bộn bề khi mới chỉ có 5/19 tiêu chí đạt tiêu chí NTM. Để cán đích xã NTM, Việt Hồng tiến hành khảo sát, xây dựng, quy hoạch hình thành các vùng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng thôn; lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm khâu đột phá; từ đó, nâng cao thu nhập người dân, xóa đói giảm nghèo tạo sức bật mới. Trong đó, xã tập trung vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao đưa vào sản xuất.
Cụ thể, đối với diện tích trồng lúa nước, xã chú trọng đưa các giống mới, lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy để tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. Đồng thời, hình thành mô hình cánh đồng cấy một giống lúa tại các thôn: Bản Vần, Bản Nả, Bản Din với diện tích hàng chục héc-ta theo hướng sản xuất lúa hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Cùng đó, xã xây dựng, hình thành vùng cây ăn quả, cây ăn quả có múi trên 15 ha tại các thôn: Bản Din, Bản Chao, Bản Phạ. Dù là những loại cây trồng mới, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc cùng với khí hậu hài hòa, thổ nhưỡng phù hợp nên một số loại cây ăn quả bước đầu đã khẳng định hiệu quả kinh tế. Cụ thể, năm 2021, sản lượng quả đạt gần 100 tấn, mang về nguồn thu nhập cho nông dân trên 1,5 tỷ đồng.
Đối với diện tích đất lâm nghiệp, nhân dân tập trung trồng gỗ nguyên liệu, mở rộng diện tích quế sạch, quế hữu cơ (xã hiện có trên 250 ha quế) nhằm đáp ứng cho chế biến. Kinh tế đồi rừng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Bình quân mỗi năm, nhân dân khai thác gần 200 ha rừng kinh tế và thu hoạch đến đâu trồng thay thế ngay đến đó.
Trong vài năm trở lại đây, nhân dân xã Việt Hồng còn đưa vào trồng trên 10 ha cây dược liệu, chủ yếu là cây khôi nhung mang lại thu nhập cao, ổn định cho một số hộ. Có lợi thế về nguồn nước sạch, hàng chục hộ ở xã Việt Hồng đã phát triển chăn nuôi cá, thủy cầm theo hướng hàng hóa như nuôi cá tầm, ếch, ốc nhồi và bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan; trong đó, ông Đỗ Việt Bách ở thôn 3 đã mạnh dạn đầu tư nuôi 400 con vịt bầu.
Sau 4 tháng nuôi, với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg, ông Bách thu về 60 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng. Hộ anh Nguyễn Tiến Mạnh ở thôn Bản Vần cũng nuôi 200 con vịt bầu và ngay lứa đầu tiên thu lãi 15 triệu đồng…
Từ những thành công bước đầu nuôi vịt bầu thương phẩm, nhiều bà con trong xã đang mở rộng chăn nuôi hàng hóa với quy mô lớn và hứa hẹn đây là vật nuôi làm giàu ở Việt Hồng. Bên cạnh đó, nhờ có hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vốn văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày, thôn Bản Nả, Bản Vần đã và đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm và nghỉ dưỡng) với hàng chục hộ dân tham gia và bước đầu mô hình này đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Điều ý nghĩa hơn cả là đã tạo được sự chuyển biến trong tư duy từ sản xuất nông lâm nghiệp sang dịch vụ thương mại bền vững.
Nhờ tập trung phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Hồng không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 40,5 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông cơ bản được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phát triển kinh tế. Năm 2019, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM và hiện đang phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây, đang góp phần thúc đẩy quê hương Việt Hồng - miền quê cách mạng ngày càng giàu đẹp theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Thanh Phúc