Là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng gắn với Cách mạng tháng Tám lịch sử, phát huy truyền thống vùng đất Chiến khu, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên khó khăn bộn bề, chỉ đạt 5/19 tiêu chí.
Trước những thực tại, khó khăn đó, xã đã tiến hành khảo sát, xây dựng, quy hoạch hình thành các vùng phát triển kinh tế dựa trên lợi thế và thế mạnh của từng thôn, bản. Lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm khâu đột phá, từ đó nâng cao thu nhập người dân, xóa đói giảm nghèo, tạo sức bật hoàn thành bộ tiêu chí. Vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao đưa vào sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương.
Đối với diện tích lúa nước, xã đưa các giống lúa mới, lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. Một mặt hình thành mô hình cánh đồng gieo cấy một giống lúa tại bản Vần, bản Nả, bản Din với diện tích hàng chục héc-ta đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Đồng thời, địa phương xây dựng và hình thành vùng cây ăn quả có múi trên 15 ha tại bản Din, bản Chao, bản Phạ.
Từ một địa phương gần như không có gì, thì nay Việt Hồng đã có một vùng cây ăn quả rộng lớn, tuy mới đưa vào trồng nhưng sản lượng năm 2021 đã đạt gần 100 tấn, mang về thu nhập cho người dân trên 1,5 tỷ đồng. Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp, nhân dân tập trung đưa cây nguyên liệu giấy vào trồng, mở rộng diện tích quế sạch, quế hữu cơ đáp ứng cho chế biến. Kinh tế đồi rừng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, bình quân mỗi năm nhân dân khai thác gần 200 ha rừng kinh tế.
Với cách thức thu hoạch đến đâu trồng thay thế bằng quế, bằng keo đến đó, đến nay Việt Hồng đã có trên 250 ha quế. Trong hai, ba năm trở lại đây, đối với diện tích rừng đất đai mầu mỡ, nhân dân đã đưa vào trồng trên 10 ha cây dược liệu, chủ yếu là cây khôi nhung, mang lại thu nhập cao và ổn định. Phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển mạnh mẽ và mang lại nguồn thu không nhỏ.
Có lợi thế về nguồn nước, hàng chục hộ gia đình phát triển chăn nuôi thủy sản, thủy cầm theo hướng hàng hóa như nuôi cá tầm, nuôi ếch, ốc nhồi..., bước đầu đã mang lại hiệu quả. Việt Hồng đã xây dựng mô hình chăn nuôi vịt bầu Lâm Thượng (một giống vịt đặc sản của xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên).
Anh Đỗ Việt Bách ở thôn 3 đã xây dựng chuồng trại đưa 400 con vịt bầu giống Lâm Thượng về nuôi. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, đàn vịt của gia đình anh phát triển tốt, sau 4 tháng trọng lượng mỗi con đạt trên 2,3 kg, bán với giá trung bình 70.000 đồng/kg thu về 60 triệu đồng; sau khi trừ chi phí lãi trên 30 triệu đồng.
Hay như hộ anh Nguyễn Tiến Mạnh ở thôn Bản Vần nuôi 200 con vịt bầu Lâm Thượng, ngay lứa đầu tiên bán thu trên 40 triệu đồng, trừ chi phí lãi 15 triệu đồng. Từ những thành công qua các mô hình, hiện nay nhân dân trong xã đang tích cưc mở rộng chăn nuôi hàng hóa với quy mô lớn, hứa hẹn là vật nuôi làm giàu ở Việt Hồng trong tương lai không xa.
Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 40,5 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng của địa phương từng bước được xây dựng khang trang, đường giao thông đã cơ bản được bê tông hóa, đáp ứng cho nhu cầu đi lại cũng như phát triển sản xuất.
Chưa bằng lòng với kết quả đạt được, Việt Hồng đã và đang nỗ lực nâng cao các tiêu chí, tích cực phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập người dân, phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Thanh Phúc