Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022)

“Chiến sĩ áo chàm” tay không cướp đồn giặc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2022 | 7:42:41 AM

YênBái - Ông Hoàng Triều Cống - Tiểu đội Trưởng Tiểu đội 1, Đội Du kích Cổ Văn năm nay đã bước sang tuổi 96, song ông vẫn nhớ như in cái ngày đối mặt với nòng súng, cầm thư dụ hàng của Việt Minh tiến thẳng vào đồn địch. Người dân địa phương vẫn gọi ông là “Chiến sĩ áo chàm tay không cướp đồn giặc”.

Lãnh đạo huyện Lục Yên và xã Mường Lai trò chuyện cùng ông Hoàng Triều Cống.
Lãnh đạo huyện Lục Yên và xã Mường Lai trò chuyện cùng ông Hoàng Triều Cống.

Chúng tôi đến thăm ông Hoàng Triều Cống, ở thôn 8, xã Mường Lai, huyện Lục Yên trong những ngày trên địa bàn đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh 2/9. 

Trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, bóng dáng nhỏ bé của người Tiểu đội trưởng năm xưa thấp thoáng bên ô cửa nhỏ. Con người thấp bé, lưng đã còng vì thời gian ấy từng gan dạ chiến đấu cùng đồng đội sớm giành chính quyền về tay cách mạng, giải phóng châu Lục Yên. 

Bên ấm trà nóng, ông Hoàng Triều Cống kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng gian nan, vất vả nhưng rất đỗi tự hào. Mường Lai ngày ấy là 2 xã Cổ Văn và Từ Hiếu, toàn là rừng già hiểm trở lại được bao bọc bởi các dãy núi đá, có đường nhỏ và lối mòn thông ra Vĩnh Lạc, Minh Xuân qua Ngòi Cáo sang Hàm Yên (Tuyên Quang). Đội công tác của Mặt trận Việt Minh chọn đây làm căn cứ chính trị, quân sự chuẩn bị khởi nghĩa vì có địa thế thuận lợi, an toàn, gần Chiến khu Việt Bắc. 

Cuối tháng 4/1945, Đoàn Tây Tiến gồm 4 cán bộ do đồng chí Nông Ngọc Đính phụ trách xuất phát từ Cao Bằng cắt rừng, ngược suối đến xã Cổ Văn (ngày nay là xã Mường Lai) để thành lập cơ sở cách mạng tại đây. Ông Hoàng Triều Cống lúc ấy là thanh niên trong làng, trong một lần đi nghe hát, tình cờ được tiếp xúc với đội công tác của Việt Minh. 

Gặp được lý tưởng cách mạng, ngay tối hôm đó, Hoàng Triều Cống đã tập hợp, vận động thanh niên trong làng cùng đi theo Việt Minh. Đêm ngày 9/5/1945, trên đồi sim Cổ Văn, Đội Du kích Cổ Văn được thành lập gồm 7 người, trong đó có Hoàng Triều Cống. 

Nhân dân phấn khởi ủng hộ Đội Du kích, khí thế cách mạng dâng cao, Đội Du kích tăng lên 17 rồi 24 người, được biên chế thành 2 tiểu đội. Hoàng Triều Cống được phân công làm Tiểu đội Trưởng Tiểu đội 1. 

Đội Du kích vừa luyện tập xây dựng lực lượng, vừa vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng Việt Minh, lập dân phòng, lập các điểm canh kiểm soát người ra vào căn cứ, tổ chức mai phục đánh tan các đội quân của cướp phỉ Quản Ván, Quản Lộc và Vàng Xập. Cứ như vậy, thanh thế Đội Du kích Cổ Văn lan rộng khắp vùng.

Ngày 4/7/1945, sau khi nắm tình hình địch, Đội Du kích được lệnh lên đường giải phóng châu Lục Yên. Ngày 5/7/1945, xuất phát từ Cổ Văn xuống Làng Giàng, xã Xuân Long rồi ngược theo sông Chảy tiến lên Lục Yên, đến gần Tân Lập thì trời tối. 

Đội Du kích tìm chỗ nghỉ ngơi bên bờ sông thì phát hiện quan châu Lục Yên là Trần Lê Nghiêm đang cùng vợ con đi mảng xuôi về Yên Bái để chạy trốn. Lúc đó trời đã tối, quan châu Trần Lê Nghiêm cũng rẽ mảng vào ngủ trên một lều canh nương ngô của người dân bỏ hoang gần đó. 

Ngay lập tức, ông Hoàng Triều Cống cùng các chiến sĩ Cổ Văn áp sát lều nương, bắt sống quan châu Lục Yên, cảm hóa và buộc hắn viết thư yêu cầu binh sĩ Lục Yên đầu hàng. 

Ngày 8/7/1945, ông Hoàng Triều Cống cùng 26 chiến sĩ du kích bao vây đồn Lục Yên. Đội Du kích Cổ Văn áp sát, khép chặt vòng vây, nín thở chờ đợi bên ngoài, còn Tiểu đội trưởng Hoàng Triều Cống một mình tay không tiến thẳng về phía những nòng súng địch, cầm thư của Trần Lê Nghiêm và tối hậu thư của Việt Minh vào dụ hàng địch trong đồn. Quan quản đồn Nguyễn Văn Thi đã lệnh cho binh lính hạ vũ khí, trao đồn cho quân cách mạng. 

Ông Hoàng Triều Cống kể lại: "Khi Đội Du kích đến khu vực thôn Úc, xã Tân Lập, cách Đồn Lục Yên chừng 4 km thì Chỉ huy cử một người trong đội cầm thư vào Đồn, tôi đã xung phong ngay vì Đồn Lục Yên tôi biết rõ đường đi lối lại”. 

Sau khi giải phóng châu Lục Yên, tham gia thành lập Ủy ban Kháng chiến lâm thời huyện và xã. Đội Du kích Cổ Văn trở về căn cứ để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới tại vùng Chiến khu. Tại đây, diễn ra cuộc mít tinh lớn của đông đảo đồng bào chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Lúc này, quân số của Đội Du kích đã lên đến 200 người. 

Sau hơn 3 tháng học tập, huấn luyện, Đội Du kích Cổ Văn được lệnh chia làm 3 bộ phận: một bộ phận hướng tiến đánh cướp phỉ Quản Ván ở Mường Lèng, Tân Yên, Bắc Quang; một bộ phận hướng ngược dòng sông Chảy sang phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng Phố Ràng - Bảo Yên, thị xã Nghĩa Lộ, Văn Bàn, Than Uyên; một bộ phận ở lại phát triển khu căn cứ, mở rộng địa bàn hoạt động xuống vùng chợ Ngọc (Yên Bình), thông tiến xuống Yên Bái. 

77 năm đã trôi qua, Tiểu đội trưởng Hoàng Triều Cống "tay không cướp đồn giặc” ấy đã bước sang tuổi 96, thế nhưng ông vẫn nhớ như in từng sự kiện, từng mốc thời gian mà cuộc đời đã trải qua với bao gian khổ, hiểm nguy. Ông thầm tự hào về sự đổi thay của quê hương hôm nay có một phần công lao đóng góp của mình để đồng bào các dân tộc được sống trong hạnh phúc, ấm no, giàu đẹp.

Ông Triệu Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai: 



Phát huy truyền thống cách mạng xây dựng quê hương, tinh thần đoàn kết và ý chí khát vọng vươn lên, cán bộ, đảng viên và đông đảo tầng lớp nhân dân, đã cùng chung sức, đồng lòng mở rộng đường giao thông nông thôn; thực hiện thắp sáng đường quê; phát huy nội lực để xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp các nhà văn hóa thôn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt; xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Mường Lai đã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu năm 2023 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Hoàng Văn Sang - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai: 



Mường Lai là địa phương đầu tiên và duy nhất của huyện Lục Yên thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội Du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến. Người Mường Lai hôm nay vẫn tự hào kể cho con cháu mình nghe về sự quả cảm của 26 chiến sĩ áo chàm đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu, hy sinh để cuộc kháng chiến giành chính quyền ở châu Lục Yên hoàn toàn thắng lợi, góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi bởi các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân địa phương đã luôn phát huy được tinh thần truyền thống cách mạng ấy.

Bà Hoàng Thị Trường - thôn 6, xã Mường Lai: 



Cuộc sống của tôi cũng như nhiều người dân trong xã đã ngày càng no đủ, hạnh phúc hơn. Xã lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi ổn định, tạo thu nhập cao, người dân yên tâm phát triển kinh tế tại quê hương. Đặc biệt, xã Mường Lai cũng ngày càng đổi thay, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, nhiều nhà văn hóa được xây dựng rộng rãi, khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Anh Hoàng Văn Thiệu - Bí thư Đoàn xã Mường Lai:



 Chúng tôi luôn quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho đoàn viên, thanh, thiếu niên, nhi đồng về truyền thống quê hương cách mạng; lồng ghép trong việc tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ; thường xuyên thăm hỏi, tổ chức các ngày lao động giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công, lão thành cách mạng; tham gia vệ sinh, tu sửa Khu Di tích lịch sử Cổ Văn, Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Là những người trẻ, chúng tôi cũng quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán, giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Anh Dũng

Tags Mường Lai Ông Hoàng Triều Cống Cổ Văn Từ Hiếu Đội Du kích quan châu Lục Yên

Các tin khác
Kể chuyện truyền thống bên Di tích lịch sử Chiến khu Vần - Dọc.

Xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên là địa phương nằm trên địa bàn Chiến khu Vần - Dọc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong xã luôn nỗ lực vượt khó, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong đó, phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là điểm nhấn quan trọng tạo nên sức sống mới.

Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là 2 Uỷ viên Trung ương đảng bị khởi tố, bắt giam ngày 7/6.

Sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên là sự bội ước với lời tuyên thệ thiêng liêng trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Chiều 18/8, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm và chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Yên Bái nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2022).

Ông Nguyễn Danh Huy giữ chức thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục