''Không hợp thức hóa vướng mắc có tính vi phạm khi sửa Luật Đất đai''

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/10/2022 | 3:03:16 PM

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khắc phục bất cập trong thực tiễn, không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm khi xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 20/10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 20/10.

Sáng 20/10, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu khi thảo luận về dự luật này cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng; thể chế hóa đầy đủ, chính xác thành các quy định cụ thể; chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có định hướng của Trung ương.

Dự thảo luật cần kế thừa các quy định phù hợp của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược, lâu dài. "Không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào dự luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn", ông Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự luật Đất đai sửa đổi cũng cần giải quyết các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông nguồn lực đất đai, tạo không gian và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các quan hệ đất đai mang tính chất công và tư cũng cần tách bạch rõ để đưa vào luật, đảm bảo đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý; phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, hiệu quả, bền vững.

"Dự luật cần cụ thể hóa tối đa những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; luật hóa những nội dung trong văn bản quy định chi tiết đã được áp dụng phù hợp thực tiễn", lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ông Huệ cho biết vẫn còn có ý kiến khác nhau về các quy định trong dự luật. Do đó, ông đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần "lấy người bệnh làm trung tâm", gắn với công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh.

Dự luật cần quy định cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh công lập, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ....

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Theo ông Huệ, đây là nội dung giám sát quan trọng, quy mô lớn, phạm vi rộng, đang nổi lên cấp bách trên nhiều lĩnh vực. Nội dung này được các đại biểu, nhân dân và cử tri cả nước rất quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng, mong muốn tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu chỉ rõ những lĩnh vực, địa bàn, địa chỉ để xảy ra lãng phí nghiêm trọng; làm rõ hạn chế, khó khăn; chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp.

Những ngày qua, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại nhiều về tài sản và tính mạng của người dân miền Trung. "Quốc hội xin gửi lời chia sẻ những khó khăn, mất mát và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực vượt khó của nhân dân để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra", ông Huệ nói, mong các địa phương sớm khắc phục và nhanh chóng ổn định đời sống của người dân, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Kỳ họp dự kiến bế mạc ngày 15/11, sau 21 ngày làm việc.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội.

Cử tri băn khoăn trước tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều viên chức, công chức xin nghỉ việc; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chậm, thủ tục rườm rà. Đặc biệt, sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Chính phủ trình Quốc hội quy định áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Ban tổ chức trao giải nhất Cuộc thi cho nhóm tác giả Bùi Thị Thùy Hương - Hoàng Xuân Thắng.

Thị ủy Nghĩa Lộ vừa tổ chức trao giải Cuộc thi “Nghĩa Lộ - Tự hào 70 năm lịch sử và truyền thống cách mạng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục