Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
11 nhóm mặt hàng gia nhập"Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”
Năm 2022 vượt qua nhiều khó khăn, thách thức ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Ngành cũng từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36% , là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Đáng chú ý, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu gia nhập "Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”, trong đó có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ; 5 mặt hàng cũng gia nhập "câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” gồm: sắn và sản phẩm sắn, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, phân bón.
Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; tổ chức nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến, xây dựng 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát, tăng 866 chuỗi so với năm 2021.Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã được triển khai nhân rộng.
Năm 2022, cả nước thành lập mới 980 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nâng tổng số lên 21.100 HTX nông nghiệp, 91 liên hiệp HTX nông nghiệp; thành lập mới 821 doanh nghiệp, nâng tổng số lên gần 15.000 doanh nghiệp nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong năm 2022, cả nước đã phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021.
Cùng với đó, nghiệm thu và công bố, công nhận 18 giống cây trồng, vật nuôi; 12 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng số xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã (chiếm 73,06% số xã) đạt chuẩn NTM; có 255 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM;
Yên Bái đạt tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất từ trước đến nay
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết, năm 2022 tỉnh Yên Bái cùng với cả nước đã vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,62%; lĩnh vực nông nghiệp nông dân và nông thôn tiếp tục đạt kết quả tích cực, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ là yếu tố quan trọng đảm bảo ổn định nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con sống trong khu vực nông thôn.
Nổi bật là, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 5,95%, cao nhất từ trước đến nay. An ninh lương thực được giữ vững, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi chủ lực tăng lên và hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến.
Xây dựng nông thôn mới tiếp tục quan tâm và đạt kết quả tích cực. Kết thúc năm 2022, tỉnh Yên Bái có 99 xã/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66%; 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/ hoàn thành nhiệm vụ NTM. Chương trình OCOP được quan tâm thực hiện. Đến nay, tỉnh Yên Bái có 191 sản phẩm OCOP, trong đó 21 sản phẩm 4 sao và 170 sản phẩm 3 sao.
Các sản phẩm chủ lực không ngừng được nâng lên. Đến nay, Yên Bái có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; đánh giá và cấp 49 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực. Công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm, năm 2022, toàn tỉnh trồng mới 15.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, đứng thứ 6 toàn quốc.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong những năm gần đây, ngoài chính sách Trung ương, tỉnh Yên Bái cũng ban hành riêng một bộ chính sách cho hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với 16 nhóm chính sách và cũng chuyển đổi cách hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình sang hỗ trợ thông qua các chuỗi giá trị qua các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chia sẻ một số mô hình nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả như: mô hình canh tác lúa trên chân ruộng bậc thang tại các huyện vùng cao của tỉnh; mô hình phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Các mô hình phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây trồng, các mô hình thu gom xử lý rác thải nguy hại trong nông nghiệp; các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm. Hiện Yên Bái đã đưa được 600 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn giao dịch điện tử, trong đó có 100% các sản phẩm OCOP. Việc tiêu thụ, mở rộng thị trường đạt kết quả tích cực.
Tại Hội nghị, đồng chí Phó Chù tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ xem xét nâng mức khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên lên khoảng 1 triệu đồng/ha/năm để đảm bảo đời sống nhân dân cũng như để người dân gắn bó với việc quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp với các bộ, ngành sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ xây dựng quy định quản lý tín chỉ cacbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ cacbon cũng như quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ cacbon để có các hướng dẫn để các địa phương sớm thực hiện; đề nghị Bộ cũng sớm có hướng dẫn để các địa phương được phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng tự nhiên cũng như việc cho thuê dịch vụ môi trường rừng để thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái dưới tán rừng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vùng chè và thưởng thức hương vị chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. (Ảnh: Báo Yên Bái)
Xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, đặc biệt là của ngành Nông nghiệp, các địa phương và sự quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong năm 2022.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải phấn đấu đạt từ 55 tỷ USD trở lên; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; 280 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn 60%...; Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và toàn ngành nông nghiệp, nông thôn phải tự tin bản lĩnh, linh hoạt, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, công việc trọng tâm.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu và phù hợp ngang tầm với sự phát triển; ứng dụng khoa học- công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân, nhất là cho xuất khẩu.
Đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả, của các cơ quan đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với dự báo thị trường và tình hình liên quan để phát triển, xây dựng chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cùng các chương trình mục tiêu quốc gia khác; gắn kết cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Thông Nguyễn