Đầu năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Minh Tiến ở thôn Minh Tân, xã Y Can, huyện Trấn Yên được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 1,4 ha diện tích canh tác rau của HTX. Từ đó, không chỉ có diện tích nằm trong vùng được chứng nhận mà toàn bộ diện tích canh tác của 14 thành viên HTX đều được thay đổi thói quen canh tác theo hướng "xanh” với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Mến - Giám đốc HTX cho biết: "Khác với canh tác tự do như trước, giờ đây chúng tôi sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì phun đúng dòng, cách ly đủ ngày. 10 ngày sau khâu làm đất, phơi đất cho khô, làm sạch nấm mốc, khử khuẩn diệt nấm, chúng tôi mới tra giống, gieo hạt. Thêm vào đó, chỉ phun thuốc nấm khi cây trổ 3 lá và kể từ đó chỉ duy nhất tưới nước cho cây. Với cách làm này, lượng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 80%, phân bón giảm 60% so với canh tác truyền thống”.
Thành viên HTX Rau an toàn Minh Tiến ở xã Y Can, huyện Trấn Yên chăm sóc rau VietGAP.
Không chỉ rau, các sản phẩm nông nghiệp khi canh tác theo hình thức sạch, an toàn cũng đều có tác dụng tương tự với môi trường bởi giảm rõ rệt phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất vào đất, nước, không khí.
Sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững đang là xu hướng được nhiều địa phương trên cả nước hướng đến. Yên Bái dù là tỉnh miền núi nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng này, đây còn là một nội dung quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, hướng tới nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường thì việc phát triển nông sản sạch gắn liền với xây dựng thương hiệu, uy tín đang được các ngành chức năng cũng như người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện các đề án, chính sách nhằm hỗ trợ người dân xây dựng và đạt chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn, mở rộng diện tích nông nghiệp sản xuất theo hướng tiên tiến như VietGAP, hữu cơ. Là một trong những đơn vị được hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn, HTX bưởi đặc sản VietGAP Đại Minh (huyện Yên Bình) có 9 hộ thành viên với 35 ha trồng giống bưởi đặc sản Đại Minh nằm trong diện tích được chứng nhận VietGAP từ năm 2019.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc HTX bưởi đặc sản VietGAP Đại Minh chia sẻ: "Từ khi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản phẩm của HTX ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng thể hiện qua việc chúng tôi có thêm nhiều đơn đặt hàng và đa dạng khách hàng không chỉ trong mà còn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sản phẩm của HTX giờ đã được bày bán trong hệ thống siêu thị Vinmart, các cửa hàng sạch. Năm 2020, HTX đã xuất bán 70 tấn bưởi, thu về khoảng 1 tỷ đồng”.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 48 giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn (hỗ trợ 100 triệu đồng/giấy chứng nhận) cho các cơ sở, nhóm hộ. Nhờ đó, toàn tỉnh có 129 cơ sở, nhóm hộ áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, hữu cơ, bao gồm: 3 cơ sở chăn nuôi lợn, sản lượng 2.004 tấn/năm; 113 cơ sở, nhóm hộ sản xuất chè quy mô 2.042 ha, sản lượng 25.000 tấn; 1 cơ sở sản xuất rau thủy canh an toàn, quy mô 0,2 ha; 1 cơ sở sản xuất rau, củ, quả quy mô 7 ha, sản lượng 120 tấn/năm; 4 cơ sở sản xuất cam, bưởi quy mô 106 ha, sản lượng 6.265 tấn/năm; 3 cơ sở chăn nuôi gà thịt quy mô 1,4 triệu con/năm; 1 cơ sở nuôi cá lồng quy mô 55 lồng, sản lượng 550 tấn/năm; 2 cơ sở sản xuất chè xanh quy mô 42 ha, sản lượng 405 tấn/năm; 1 cơ sở sản xuất quế hữu cơ quy mô 45 ha, sản lượng 360 tấn/năm.
Để nông nghiệp sạch tiếp tục phát triển, cùng với việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân thì việc xây dựng thương hiệu, mời gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp sạch sẽ tạo nên một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Hoài Anh