Nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong cuốn sách, Tổng Bí thư chỉ rõ: "Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Do đó, "phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Phân tích rõ hơn về nhận định trên, PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Tổng Bí thư đã kế thừa, luận giải làm rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về vai trò của nêu gương, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng; tự soi, tự sửa là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, thường xuyên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cao cấp suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống thì nêu gương, tự soi, tự sửa là nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, quan trọng hàng đầu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, lý luận và thực tiễn đã chỉ ra, nêu gương chỉ có được khi cán bộ, đảng viên tự ý thức về tính tiền phong gương mẫu, có quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện. Bên cạnh đó có vai trò của các thiết chế chính trị, văn hóa, xã hội, tạo môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng, phát huy hành động tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.
"Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu là do họ thiếu tính tiền phong gương mẫu, không tự soi, tự sửa dẫn đến không vượt qua chính mình trở thành kẻ "hư hỏng”, là "giặc nội xâm”, kẻ thù của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng”, giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, thực chất của tự soi, tự sửa chính là thường xuyên "tự phê bình”, tự điều chỉnh mình, đây cũng là nguyên tắc quan trọng trong sinh hoạt Đảng, là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thường xuyên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên tự soi, tự sửa có phạm vi rộng hơn tự phê bình. Bởi vì, tự soi, tự sửa chính là việc mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ tự mình nhìn lại chính mình, tự đánh giá, nhận xét về mình trong cả nhận thức và hành động xem đã thực hiện đúng, đủ tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu theo quy định chưa, mà còn tự phát hiện sai phạm, yếu kém của bản thân, tìm nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục, sửa chữa.
Nói cách khác, cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa để tự "chẩn đoán bệnh", lựa chọn "thuốc" phù hợp tự điều trị, tự cứu mình để sống có tự trọng, có liêm sỉ. Chính vì vậy, tự soi, tự sửa thể hiện rõ nhất tinh thần tự nguyện, tự giác, chỉ có ở cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, cầu thị đối với những hạn chế, khuyết điểm, với những thói hư, tật xấu của chính mình.
"Đây được coi là cuộc chiến không đối kháng, là cuộc chiến với chính bản thân cán bộ, đảng viên, là thử thách cam go thực sự, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có tính trung thực, quyết tâm cao, bản lĩnh vững vàng, dũng khí lớn mới vượt qua để chiến thắng chính mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Báo đồng thời dẫn chứng lại yêu cầu của Tổng Bí thư đã được đề cập trong cuốn sách: "Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích... biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, "Tránh tình trạng: "Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; "Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”.
"Phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự"
Theo GS.TS Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà cuốn sách nêu lên, Tổng Bí thư cho rằng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực.
Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả.
Tổng Bí thư cho rằng: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.
Vì vậy trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt đạo đức, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số giải pháp như: "Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, "phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
"Văn hóa "thân dân” là một giá trị truyền thống của Việt Nam, nếu được kết hợp với "văn hóa liêm chính” mà Tổng Bí thư nêu lên trong cuốn sách, rất có thể là giải pháp hữu hiệu để xây dựng Đảng về đạo đức trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, GS Phan Xuân Sơn nói.
(Theo VOV)