Đây là một sự kiện thường niên nhằm tạo cơ hội để cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới gặp gỡ, giao lưu và kết nối với quê hương. Không chỉ là hoạt động văn hóa mang ý nghĩa truyền thống mà còn là biểu tượng của chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc mà Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên định thực hiện.
Mục đích chính của chương trình là gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước đồng thời tạo cơ hội để bà con kiều bào cảm nhận sâu sắc hơn về cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc. "Xuân Quê hương” thường được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán - thời điểm linh thiêng nhất trong văn hóa Việt Nam, khi mọi người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu đều hướng về gia đình, quê hương.
Thông qua các hoạt động đa dạng như giao lưu nghệ thuật, lễ dâng hương tại Đền Hùng, thả cá chép nhân dịp ông Công ông Táo, hay tham dự chương trình gặp mặt lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, "Xuân Quê hương” gửi đi thông điệp về sự đoàn kết, gắn bó và tinh thần hòa hợp dân tộc.
Cụ thể hóa chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, Chương trình "Xuân Quê hương” chính là minh chứng rõ nét cho nỗ lực cụ thể hóa chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong nhiều nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 36 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Trong đó, Nghị quyết số 36 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết, thu hút nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng đất nước. Chương trình "Xuân Quê hương” không chỉ là nơi để chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào mà còn thể hiện sự trân trọng của Nhà nước Việt Nam đối với những đóng góp quan trọng của họ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng khẳng định quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, định kiến từ quá khứ, hướng tới một tương lai hòa hợp, nơi mọi người Việt đều chung tay vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Đây cũng là minh chứng phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc trong bối cảnh một số thế lực phản động và các cá nhân cực đoan vẫn cố tình xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, "Xuân Quê hương” là minh chứng thuyết phục phản bác các quan điểm sai trái này. Chương trình không chỉ thể hiện thiện chí của Nhà nước trong việc gắn kết cộng đồng kiều bào mà còn chứng minh rằng, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ nằm trên giấy mà được thực hiện một cách bài bản, cụ thể và đầy nhân văn.
Mỗi năm, có hàng triệu lượt người đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài về thăm quê hương, trong đó có hàng nghìn kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về tham dự chương trình mỗi năm là câu trả lời rõ ràng nhất trước những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ. Họ đến không chỉ để tận hưởng không khí tết cổ truyền mà còn để đóng góp ý kiến xây dựng quê hương, tham gia các hoạt động từ thiện, giáo dục, và văn hóa. Điều này chứng tỏ rằng, mọi người Việt dù ở đâu đều chung một tấm lòng hướng về nguồn cội.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài diễn ra tại Hà Nội ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 3 thông điệp đối với bà con kiều bào.
Thứ nhất, "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 là kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.
Thứ hai, đất nước kỳ vọng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc.
Thứ ba, đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư, nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con kiều bào dành cho quê hương. Chúng ta luôn nỗ lực để "nghe cho đến, thấy cho khắp” tâm tư, nguyện vọng của bà con. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhấn mạnh: "Người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và thế giới mà còn là một nguồn lực to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.
Nhiều kiều bào đã bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào khi tham dự Chương trình "Xuân Quê hương”. Đại bộ phận kiều bào ta chỉ một lần về thăm quê hương, thấy được những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, nhất là về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân khấm khá... đã có cái nhìn đúng đắn, thay đổi quan điểm về Đảng Cộng sản Việt Nam, về chế độ xã hội.
Chị Tanya Truong định cư tại Hoa Kỳ hơn 40 năm đã về Việt Nam 11 lần với tư cách là thành viên Đoàn phẫu thuật nụ cười (mổ sứt môi, hở hàm ếch) cho trẻ em. Dịp Tết Nguyên đán 2025, chị Tanya Truong về Việt Nam với mục đích hoàn toàn khác là thăm lại quê hương bản quán và tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025”.
"Tôi sẽ đi chợ hoa Nghi Tàm - Quảng Bá để ngắm đào Nhật Tân, sau tết sẽ là hành trình lên Tây Bắc để ngắm hoa ban trắng, để cảm nhận vẻ đẹp của quê hương, đất nước giữa mùa xuân” - chị Tanya Truong chia sẻ. Câu chuyện của bác sĩ Lê Đức Huy là Việt kiều từ Florida, Mỹ lại hoàn toàn khác. Cha của Đức Huy cũng là một bác sĩ, làm việc dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Chị Tanya Truong (ngoài cùng, bên trái) - Việt kiều định cư tại Hoa Kỳ về thăm Việt Nam và tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025”.
Gia đình Huy định cư tại Hoa Kỳ từ trước năm 1975. Do không có đầy đủ thông tin trong nước nên cha mẹ Huy và cả bản thân anh luôn nghĩ Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp dân chúng.
Huy cho hay: "Nhờ có Internet, nhờ thông tin rộng mở và sau chuyến về thăm lại cố hương, cha tôi và cả gia đình tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tôi yêu mảnh đất này, Việt Nam mới là quê hương của tôi. Tôi đã có một quyết định lớn là trở về Việt Nam sinh sống và làm việc với mong muốn đóng góp sức lực của mình vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sức khỏe nhân dân”.
Rất nhiều kiều bào sau một lần về thăm quê hương đã rất bất ngờ khi thấy đất nước đổi thay mạnh mẽ, người dân được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc... Qua đó cho thấy, vẫn có rất nhiều kiều bào còn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về tình hình trong nước. Bên cạnh đó, có thể khẳng định, chỉ còn một số ít người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn tư tưởng hằn học, cố chấp, nuôi dưỡng mãi lòng hận thù; một số đối tượng khác còn ảo tưởng "lật đổ”, "phục quốc” dù chiến tranh đã khép lại từ lâu.
"Xuân Quê hương” không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là biểu tượng của chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang theo đuổi. Thông qua chương trình, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội khẳng định tình yêu quê hương, Tổ quốc đồng thời góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi khoảng cách địa lý không còn là rào cản, "Xuân Quê hương” chính là nhịp cầu kết nối những trái tim Việt khắp năm châu, cùng nhau hướng về một Tổ quốc hòa bình, thịnh vượng và đoàn kết.
Lê Phiên