Vùng cao Trạm Tấu: Phải quyết tâm đi lên bằng nội lực
- Cập nhật: Thứ hai, 9/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho huyện vùng cao Trạm Tấu, ngày 21/6/2006, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra Nghị quyết số 03 về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phát triển kinh tế- xã hội tại huyện vùng cao Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 với các mục tiêu và giải pháp cụ thể. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc triển khai Nghị quyết của Tỉnh uỷ còn rất chậm, Trạm Tấu vẫn là huyện khó khăn nhất trong tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc: Trạm Tấu phải đi lên bằng nội lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
|
Theo đoàn công tác của Tỉnh uỷ do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Xuân Lộc; đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó bí thư Tỉnh uỷ dẫn đầu, đầu tháng 3, chúng tôi lên huyện vùng cao Trạm Tấu.
Được tách ra từ huyện Văn Chấn khoảng những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chỉ có xã Hát Lừu và thị trấn Trạm Tấu là nơi sinh sống của người Thái, người Kinh còn mười xã khác của huyện Trạm Tấu như Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau, Bản Công, Tà Xi Láng…là địa bàn sinh sống của người Mông. Về những tồn tại của vùng cao, Bí thư Huyện uỷ Hà Chí Họp cho biết, hiện tại tỷ lệ số hộ đói nghèo của huyện vẫn là 55,43%, nhiều xã lên đến gần 70%. Có 593 hộ thiếu đói từ 5- 6 tháng trở lên. Việc buôn bán lâm sản, phá rừng, cháy rừng và tái trồng thuốc phiện tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra.
Tại sao có hướng đi, có giải pháp, có đòn bẩy là Nghị quyết 03 để giúp Trạm Tấu đi lên, nhưng vì sao Nghị quyết chậm đi vào cuộc sống? Cùng những nguyên nhân chủ quan như địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện dân trí không đồng đều; Đề án mới được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nên các nội dung sẽ được tập trung triển khai vào năm 2009 và năm 2010... thì nguyên nhân chính vẫn do nội tại. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Trạm Tấu chưa thực sự coi trọng và nỗ lực để đưa Nghị quyết vào cuộc sống!
Trên thực tế, do hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở yếu, một bộ phận cán bộ tuy nhiệt tình công việc nhưng yếu về chuyên môn, phương pháp làm việc chưa có sự thay đổi, đã không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tại cơ sở, nhiều Đảng bộ còn có những biểu hiện mất đoàn kết, mất dân chủ, còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bảo thủ, trì trệ, cục bộ, khép kín từ đó có những sai phạm trong điều hành quản lý, năng lực lãnh đạo yếu… từ đó dẫn đến những vấn đề cấp bách và trọng tâm như yêu cầu của Nghị quyết đặt ra chậm được giải quyết. Cụ thể như trong công tác xoá đói giảm nghèo, từ đó phát sinh các vấn đề nóng bỏng như: phá rừng, di dịch cư tự do, đặc biệt là vấn đề tái trồng cây thuốc phiện. Niên vụ 2006 – 2007, diện tích tái trồng thuốc phiện tới 137 ha, vụ xuân 2008 – 2009, diện tích tái trồng vẫn còn gần 2 ha.
Vì vậy, trong các buổi làm việc với Thường trực, Thường vụ Huyện uỷ, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Xuân Lộc luôn yêu cầu phải làm rõ vai trò của từng cá nhân trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đồng chí khẳng định: “Ngoài sự giúp đỡ của tỉnh, Nghị quyết 03 có thành công hay không tuỳ vào nội lực nội sinh của Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Trạm Tấu”. Từ phân tích tình hình thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ rõ: Nghị quyết triển khai chậm là do phương pháp lãnh đạo và tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Trạm Tấu vẫn còn rất nặng nề. Do đó đồng chí yêu cầu, Đảng bộ Trạm Tấu cần có sự thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm, cần năng động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên (đặc biệt quan tâm đến chi bộ Đảng thôn, bản), có kế hoạch bồi dưỡng luân chuyển, thay thế cán bộ, sử dụng cán bộ chính xác, hiệu quả, làm sao để mỗi cán bộ ở Trạm Tấu phải luôn có bầu máu nóng cách mạng, khát khao vì một Trạm Tấu phát triển, biết “lo cái lo của dân”, vì nhân dân phục vụ thì nghị quyết của Đảng mới đi vào cuộc sống, mới phát huy tác dụng.
Trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Trạm Tấu về lĩnh vực kinhh tế, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Trạm Tấu phải thực hiện một cuộc “cải cách về ruộng đất”, vì đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng cao. Trên thực tế, với diện tích tự nhiên trên 74.618 ha, trong đó, đất nông nghiệp 57.715 ngàn ha, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp là trên 58 ha, tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. Vẫn có trên 1200 hộ dân thiếu đất canh tác, không có rừng để bảo vệ, khoanh nuôi. Đất ruộng chỉ tập trung vào một số hộ có điều kiện. Vì vậy, trong huyện có đến 593 hộ không có ruộng nước canh tác, mỗi năm thiếu đói từ 5 đến 6 tháng trở lên.
Thực tế đặt ra, Trạm Tấu cần phải thực hiện tốt Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ về “sắp xếp, quy hoạch lại đất đai vùng cao” theo đúng qui định, chính sách của pháp luật về đất đai. Mà để làm tốt việc phân chia lại đất đai, huyện cần kết hợp với ngành chuyên môn làm tốt khâu qui hoạch đất sản xuất và qui hoạch rừng. Vì có làm tốt khâu qui hoạch mới là cơ sở để có giải pháp để phân bổ tiến hành giao đất, giao rừng, cho thuê rừng sản xuất và hỗ trợ cho sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở thiết yếu hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân đặc biệt quan tâm đến hệ thống đường giao thông thôn bản và liên thôn, bản; chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân; giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết cơ bản những vấn đề xã hội bức xúc trên địa bàn huyện như: tái trồng cây thuốc phiện, nghiện hút thuốc phiện, phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy và di dịch cư tự do...
Những ngày ở Trạm Tấu, lang thang ra phố huyện, nghe kể, cách đây mươi năm, cả thị trấn chỉ có vài ngôi nhà xây, còn lại là nhà trát toóc - xi lợp ngói; con đường bám theo suối Thia, ngược mãi lên, qua thị trấn Trạm Tấu là cụt, cách Nghĩa Lộ khoảng 30 kilômét, ô tô U – oát mới tinh cũng phải bò mất hai giờ. Theo thời gian và hoà chung vào sự phát triển, giờ đây phố huyện xưa đã mang dáng dấp một đô thị vùng cao với đường điện cao thế, đài phát sóng truyền hình, công trình nhà cửa, công trình trụ sở, đường sá … Đặc biệt, cùng tuyến đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện đã được rải nhựa phẳng phiu rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn non nửa, các xã đều có đường đến trung tâm. Mới đây nhất, tuyến đường thông sang huyện Bắc Yên ( Sơn La) đã được ta và bạn khởi công, xây dựng. Như vậy, trong thời gian tới, Trạm Tấu sẽ không còn đơn độc, tách biệt với bên ngoài.
Với việc Chính phủ ra Nghị quyết 30a giúp đỡ các huyện đặc biệt khó khăn, đặc biệt là Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ đang được các ngành khẩn trương triển khai, Trạm Tấu đang đứng trước cơ hội phát triển với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, của tỉnh, thông qua hàng loạt các chương trình, dự án, các chính sách đặc thù. Tuy nhiên, vùng cao có đổi thay hay không lại đang phụ thuộc vào sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền và người dân Trạm Tấu.
Nguyễn Đình
Nhiều gia đình đồng bào Mông xã Pá Hu (Trạm Tấu) trồng sắn thu về hàng chục triệu đồng.
Ảnh:
đức hồng
Các tin khác
Sau khi ban hành kế hoạch của Chính phủ về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 320/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo TƯ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Ngày 6-3, Văn phòng Chính phủ đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các đơn vị liên quan thông báo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 3-3, Chính phủ đã kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 2. Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo công bố các nội dung của phiên họp. Vấn đề sai sót trong thực hiện tiền tết cho hộ nghèo trở thành tâm điểm của buổi họp báo lần này.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Yên Bái về công tác quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020 ngày 2/3/2009.