Nhớ lời Bác dặn
- Cập nhật: Thứ tư, 2/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - 51 năm về trước, tại Sân vận động Yên Bái, ngày 25/9/1958 Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Yên Bái. Nhớ lời Bác dặn, hơn nửa thế kỷ qua, Đảng bộ và nhân các dân tộc Yên Bái “Đoàn kết dân tộc tốt; tăng gia sản xuất tốt; thực hành tiết kiệm” xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. (Tranh cổ động: Đình Thi)
|
“Đoàn kết dân tộc tốt”
Bác nhắc mọi người “Đoàn kết dân tộc tốt”, vì: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích, căm ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ.” Người cũng căn dặn: “Đất của ta không thiếu, nhưng một số đồng bào ít người phải làm rẫy, làm nương. Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người. Dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp đỡ qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm, giúp nhau thì nhất định việc gì cũng làm được.” Nhớ lời Người, đồng bào các dân tộc Yên Bái đều đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền đã phối hợp có hiệu quả trong vận động nhân dân đoàn kết đùm bọc lẫn nhau khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lũ, giúp đỡ người nghèo; không phân biệt dân tộc tôn giáo, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư…Nhiều ngôi nhà mới đã được dựng lên trên vùng lũ quét và sạt lở đất. Còn nữa, không ít những ngôi nhà hỗ trợ hộ nghèo từ nguồn đầu tư của Nhà nước và nhân dân góp sức đã giúp các hộ khó khăn ổn định cuộc sống. Bằng vật chất và ngày công, các hội viên giúp trực tiếp và thông qua các tổ chức đoàn thể đã hỗ trợ giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao còn nhiều thiếu thốn thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.
“Tăng gia sản xuất tốt”
Nhớ ngày ấy Bác nhắc nhở nhân dân “Tăng gia sản xuất tốt”. Người dẫn dắt: “Trước kia chúng ta khổ vì thực dân phong kiến bóc lột. Bây giờ chúng ta đã thoát khỏi, chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn. Muốn sướng hơn chúng ta phải ăn no mặc ấm. Muốn ăn no mặc ấm phải làm thế nào?”. Tất cả những người được gặp Bác hôm ấy đều đồng thanh trả lời: “Phải tăng gia sản xuất ạ!”. Làm theo lời Bác, Yên Bái đã năng động, sáng tạo không ngừng vươn lên trong sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế. Hăng hái tăng gia, sản xuất đưa mức tăng trưởng kinh tế ở Yên Bái năm sau cao hơn năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2009, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái, nhưng do thực hiện tốt các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế nên nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng ổn định đạt 11,34%, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông lâm, thuỷ sản và công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Lời nhắc nhở không du canh du cư, ổn định cuộc sống của Người mộc mạc và gần gũi: “Ví dụ như cây bưởi năm nay trồng chỗ này, sang năm trồng chỗ khác thì không tốt. Phải trồng một chỗ thì rễ mới sâu, cành mới tốt, quả mới tốt. Đồng bào cần cố gắng phải làm ăn định canh”. Lời nhắc nhở của Người đã thành hành động.
Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, từ các Chương trình 134, 135 nhiều bản làng định canh, định cư, trung tâm cụm xã mọc lên ở các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đem lại cuộc sống no ấm cho người dân. Người nhấn mạnh: “Điểm nữa là nên tăng vụ, những ruộng làm một mùa cố gắng làm cả chiêm, cả mùa”. Những lời dạy ấy của Bác đã đi vào cuộc sống. Tỉnh Yên Bái tập trung tăng vụ từ vùng thấp đến vùng cao. Những cánh đồng ở vùng thấp như: Mường Lò thuộc huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; Mường Lai (huyện Lục Yên) không chỉ hai vụ mà đã lên 3 vụ.
Các huyện vùng cao, đồng bào đang tích cực chuyển một vụ sang làm 2 vụ lúa. Bác cũng căn dặn: “Nhưng còn hơn một nửa số ruộng cấy chay. Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm có lớn được không? Lúa không có phân có tốt không?”. Thực hiện lời Bác dạy, từ vùng thấp đến vùng cao Yên Bái tập trung đầu tư giống mới, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, xây dựng đời sống ấm no. Năng suất lúa đông xuân năm 2009 của tỉnh đạt 50,55 tạ/ha, là năm đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay.
Ngày 25/9/1958, tại kỳ đài Sân vận động thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái), Bác Hồ đã thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Bái.
“Thực hành tiết kiệm”
Người cho rằng, nếu tăng gia sản xuất tốt, nhưng không thực hành tiết kiệm cũng như không: “Ví dụ: mỗi gia đình trước kia thu được một tấn, bây giờ nhờ có phân bón thu được hai tấn...thế là có tăng gia, tăng gia nhiều đấy. Nhưng, làm được bao nhiêu lại chén hết, như thế kết quả cũng như không thôi!”. Những lời căn dặn ấy của Bác đã thấm sâu vào mỗi người, mỗi cơ quan đơn vị và “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí” đã trở khẩu hiệu “Sống, chiến đấu lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Bác cho rằng: “Đồng bào ta đây có nhiều điểm tốt, nhưng cũng còn có khuyết điểm cần sửa chữa dần dần. Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm. Nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình hai, ba bữa say sưa bằng thích, sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ, như thế là không tốt, mà đã không tốt là xấu, đã xấu thì phải sửa. Đám cưới như thế, đám ma cũng thế; thường thì chôn cất cũng đủ, nhưng cũng cứ phải chén. Thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng...”.
Những lời chỉ bảo chân tình, gần gũi và sâu sắc của Bác thấm vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Đồng bào các dân tộc Yên Bái làm theo lời Bác bằng việc thực hiện tốt các hương ước của các làng văn hoá, tổ dân phố văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức trang trọng đúng nghi thức. Việc cưới được tổ chức gọn, lành mạnh, không linh đình tốn kém và lãng phí, theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc tang được tổ chức trang nghiêm đúng phong tục và tiến bộ. Tang lễ không kéo dài quá thời gian qui định, không để lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 150.682/168.909 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá; 874/2.342 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản tổ dân phố văn hoá.
Sau 51 năm (ngày 25/9/1958) học và làm theo lời căn dặn của Bác và 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lời Bác đã ngấm sâu vào nhận thức và việc làm của mỗi người dân Yên Bái.
Minh Đức
Các tin khác
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (RGTLĐ) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong hai ngày 27 - 28.8 ở New York (Mỹ), đại diện Chính phủ VN đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía bắc biển Đông.
Cách đây 64 năm, đúng ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
"Bốn mươi năm đã qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng ngời tính thời sự, có sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn". Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định tại Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Quốc khánh 2/9 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
YBĐT – Ngày 1/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2009) và 64 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2009).