Văn Yên 45 mùa xuân vững bước đi lên

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/3/2010 | 9:05:40 AM

YBĐT - Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” và “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Một góc trung tâm huyện Văn Yên.
Một góc trung tâm huyện Văn Yên.

>>> Video 45 năm một chặng đường vẻ vang

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các cấp. Thành tích đó càng khẳng định những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Văn Yên cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Ngày 16.12.1964, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 177-CP quyết định thành lập huyện Văn Yên. Ngày 8.1.1965, Tỉnh ủy Yên Bái ra Nghị quyết số 06-NQ/TU chỉ định Ban cán sự Đảng bộ huyện gồm 13 đồng chí. Ngày 13.2.1965, Ủy ban Hành chính huyện được thành lập. Ngày 1.3.1965, lễ bàn giao và tiếp nhận huyện được tổ chức tại Hội trường khai hoang của Hợp tác xã Ba Soi (Thọ Lâm), nay là khuôn viên Nhà văn hóa thôn 1 (thôn Kim Yên), xã Lâm Giang. Khi ấy, Văn Yên có 22.000 dân, trong đó hơn 1 vạn người từ vùng hồ Thác Bà lên xây dựng quê hương mới để nhường đất xây dựng thủy điện Thác Bà.

Thời điểm này, huyện mới chỉ có 25 tổ chức cơ sở Đảng với 673 đảng viên. Toàn huyện có 1.500 ha ruộng nước, 496 ha quế, 72 ha chè, 92 ha mía. Cả huyện chỉ có 01 trường cấp II, 1/2 số xã có trường cấp I với 2.000 học sinh; gần 80% số hộ nông dân tham gia hợp tác xã. Những yếu tố ấy là cơ sở giúp các thế hệ lãnh đạo Văn Yên định hình phương hướng sản xuất với ba vùng kinh tế sau này là: vùng quế, vùng lúa, vùng cây ăn quả và cây công nghiệp. Cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội ban đầu đó là nền tảng để Văn Yên phát triển.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, khi đó Quốc lộ 70 chưa được xây dựng nên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua Văn Yên là trọng điểm bị đánh phá thường xuyên. Đảng bộ huyện Văn Yên đã chỉ đạo các hoạt động từ thời bình chuyển sang thời chiến, vừa phát triển kinh tế, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam vừa phải quyết tâm đánh bại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; thực hiện xuất sắc khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

Các phong trào thâm canh, làm thủy lợi, làm đường giao thông, xây dựng và củng cố hợp tác xã (HTX), phong trào học bổ túc văn hóa, xây dựng trận địa, hầm hào phòng tránh và đánh trả máy bay Mỹ… đã thu hút toàn dân, toàn quân tham gia. Năm 1968, Văn Yên là huyện đầu tiên và duy nhất đạt năng suất lúa bình quân trên 5 tấn/ha. Giành thắng lợi toàn diện trên mọi lĩnh vực, Văn Yên là một trong bốn Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Yên Bái đạt danh hiệu "4 tốt".

Giai đoạn 1976 - 1985, đất nước gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế - xã hội và phải đối phó với hai cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, huyện Văn Yên kiên trì mục tiêu phát triển ba vùng kinh tế lên một bước mới đồng thời tỏ rõ bản lĩnh, truyền thống kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Huyện đã huy động 2.084 người đi xây dựng phòng tuyến biên giới phía Bắc, đóng góp trên 1.000 dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu, hơn 100 cán bộ chủ chốt ở cơ sở được tăng cường cho các xã biên giới. Huyện cũng trở thành hậu phương lớn, đón tiếp hàng ngàn cán bộ và nhân dân tuyến biên giới về, tạo chỗ ở cùng làm việc ổn định cho đồng bào. Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho 02 xã, thị trấn là xã Đại Phác, thị trấn Mậu A và 01 HTX được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” là HTX Cộng Lực (xã Viễn Sơn).

Năm 1986, cả nước bước vào công cuộc đổi mới, Văn Yên đã nhanh chóng tiếp thu những cái mới, tiên tiến, tích cực, cách làm ăn năng động, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến về giống mới như: lúa, mía, lợn hướng nạc, cây lâm nghiệp… làm cho năng lực sản xuất tăng lên nhanh chóng. Nhân tố con người được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển. Đi đôi với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện tích cực chăm lo và từng bước giải quyết tốt những vấn đề xã hội; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực trên mảnh đất này. Nhiều nguồn lực được khai thác, tạo ra khả năng mới và tạo động lực cho phát triển như: xây dựng đường điện 35 KV từ Yên Bái đi Mậu A - Đông Cuông; đường điện 10 KV đi vùng An Thịnh - Yên Phú - Đại Phác; nâng cấp nhiều tuyến đường bộ đi vùng Phong Dụ, Xuân Tầm, Đại Sơn, Mỏ Vàng.

Sau 10 năm đổi mới (1986 - 1995), các sản phẩm chủ lực của huyện Văn Yên như: lúa nước, đàn bò, đàn lợn, quế vỏ đã tăng đáng kể. Nguồn lợi về xuất khẩu vỏ quế khô, tinh dầu quế, lâm sản, gỗ pơ mu đã thực sự đem lại nguồn thu dồi dào cho nhân dân và có một phần đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Bộ mặt nông thôn Văn Yên ngày càng có nhiều thay đổi. Nắm bắt nhanh sự phát triển có lợi thế, Đảng bộ huyện Văn Yên đã tiến hành cuộc vận động thực hiện chủ trương "đưa quế sang sông" vào những năm 1991 - 1995 và thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng những bước đột phá về trồng rừng mỗi năm từ 1.200 ha đến trên 1.400 ha.

Đến năm 1995, diện tích quế của huyện đã đạt trên 5.000 ha. Huyện tập trung củng cố, mở rộng giao thông liên xã, thôn bản, tăng cường thủy lợi hóa, hướng tới nền sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững. Đầu những năm của thập niên 90, cả nước đang gặp nhiều khó khăn song huyện Văn Yên đã cơ bản giải quyết được lương thực tại chỗ. Huyện có nguồn hàng xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ và tỉnh Yên Bái.

Trong các năm 1996 - 2000, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước, Văn Yên đã nắm bắt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh phát triển mọi mặt nền kinh tế; thực hiện chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ để tăng diện tích trồng, khai thác nguyên liệu giấy sợi, gỗ phục vụ đời sống dân sinh, người làm rừng sống được bằng nghề rừng. Mặt khác, huyện giữ vững và thúc đẩy chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò ở vùng cao, tập trung ở vùng Phong Dụ và thượng huyện; phát triển lợn hướng nạc trọng điểm ở các xã vùng lúa. Đồng thời đẩy mạnh đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm sản trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh xây dựng Khu công nghiệp Bắc Văn Yên.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra tình hình sản xuất tại cơ sở.

Một số tuyến đường trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa và đời sống nhân dân như: Yên Bái - Mậu A, Mậu A - Tân Nguyên, Mậu A - Trái Hút, An Bình - Lâm Giang và Nhà máy nước Mậu A được xây dựng. Huyện còn đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa toàn diện. Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước trong khu vực, Văn Yên vẫn giành nhiều thành tựu đáng khích lệ: kinh tế tăng trưởng đạt bình quân 8,9%, trong đó năm 2000 đạt 10,2%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Năm 1997, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; năm 2000, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Mậu A) là trường tiểu học đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn quốc gia. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thúc đẩy và có sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân; loại trừ một số dịch bệnh ra khỏi cộng đồng như: bệnh phong, sốt rét; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên từ 1,75% đến năm 2000 giảm xuống còn 1,4%.

Giai đoạn 2001 - 2005, huyện Văn Yên có sự chuyển mình mạnh mẽ nhất nhờ những điều kiện thuận lợi về truyền thống, nguồn lực hội tụ, tích lũy từ các giai đoạn trước được phát huy cao độ trên cơ sở nắm bắt và thực hiện tốt các chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh. Đó cũng còn là sự năng động của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện, trong đó tập trung phát triển, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Ảnh: Cầu trên tuyến Quy Mông - Đông An được xây dựng cuối năm 2009.

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế là sự bứt phá trong sản xuất, củng cố các tập đoàn cây trồng, vật nuôi mà huyện có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, đi đôi với phát triển các vùng nguyên liệu tập trung mới gắn với công nghiệp chế biến tại địa phương, tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao như: sắn công nghiệp, đậu tương, quế xuất khẩu, trâu, bò hàng hóa, lợn hướng nạc và vùng cây, con cho sản xuất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện duy trì liên tục trong 5 năm từ 10,6% năm 2001 lên 11% năm 2005; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp từ 62,3% xuống 54%, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 14,7% lên 19%, tỷ trọng thương mại - dịch vụ từ 22,9% lên 27%.

Huyện Văn Yên đã xây dựng 3 nhà máy giấy đế xuất khẩu, đũa xuất khẩu, nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất 6.000 tấn tinh bột/năm, 3 xí nghiệp chế biến chè gắn với vùng nguyên liệu. Các mỏ quặng trên địa bàn huyện được khai thác: graphit, cao lanh, quặng sắt. Đến năm 2005, chỉ tính riêng giá trị công nghiệp địa phương đã đạt trên 28 tỷ đồng. Huyện nâng cấp, sửa chữa, mở mới trên 700 km đường liên thôn, liên xã với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hết năm 2004, toàn bộ 27/27 xã, thị trấn của Văn Yên có đường ô tô đến trung tâm xã.

Mỗi năm, nhân dân trong huyện sản xuất 4.000 tấn quế vỏ khô, tiền thu từ quế trên 60 tỷ đồng.

Năm 2009 là năm thứ tư thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên rất vui mừng với những thành tích đạt được. Đến nay, toàn Đảng bộ có 53 chi, Đảng bộ cơ sở; có 412 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở; tổng số đảng viên của huyện là 4.729 đồng chí. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được Đảng bộ thường xuyên quan tâm, lãnh đạo sát sao.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bước sang năm thứ ba đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác gắn với 40 năm thực hiện “Di chúc” của Người. Công tác dân vận có nhiều chuyển biến và đổi mới, tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường bám nắm cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền” và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Nền kinh tế của huyện tiếp tục phát triển và đạt những kết quả đáng khích lệ: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,9%, đạt mục tiêu đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 43,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 27%, thương mại - dịch vụ chiếm 29%; thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân đạt trên 338kg/người/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 40,136 ngàn tấn; sản lượng vỏ quế khô đạt hơn 4.000 tấn, nhân dân thu về từ quế gần 60 tỷ đồng.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng tăng trưởng khá, tổng giá trị đạt 149 tỷ 396 triệu đồng; tổng vốn đầu tư và phát triển đạt 472 tỷ 669 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 22 tỷ 551 triệu đồng. Huyện đã tạo việc làm mới cho 2.687 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,9%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân chuyển biến tích cực, có 22/27 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 68,8%.

27/27 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Ảnh: Một giờ học của học sinh tiểu học xã Nà Hẩu.

Văn Yên hiện có 84 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên & hướng nghiệp dạy nghề. Đến nay, đã có 06 trường đạt chuẩn quốc gia; 27/27 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, trong đó 26/27 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đội ngũ giáo viên tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng theo hướng chuẩn hóa; đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, tuyên truyền bám sát nhiệm vụ chính trị và đổi mới phương thức hoạt động.

Chất lượng làng văn hóa nâng cao, huyện đã có 212 làng văn hóa, 05 xã đạt chuẩn văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì. Quốc phòng - an ninh được củng cố, thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận lòng dân và an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” và “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các cấp. Thành tích đó càng khẳng định những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Văn Yên cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực đi đôi với mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư, nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, bền vững; gắn phát triển kinh tế với đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tất cả những thành tựu đó sẽ tạo thành khí thế sôi nổi và phong trào thi đua yêu nước thiết thực để huyện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ 2005 - 2010, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp và xây dựng Văn Yên trở thành huyện giàu, mạnh.

Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Yên 

Các tin khác

YBĐT - Tỉnh ủy Yên Bái gặp mặt báo chí trong tỉnh và trên địa bàn nhân dịp xuân mới/ Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Văn Chấn/ UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao ban các nhà thầu thực hiện Dự án km5 - Yên Bình ... và một số thông tin quan trọng khác.

Tối 28-2, ngay sau khi tới thủ đô Jakarta, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam đã tới thăm, nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Indonesia.

Chính phủ yêu cầu đáp ứng các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo không xảy ra khan hiếm hàng hóa.

Trước tình hình giá cả, thị trường những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Dần vẫn biến động theo chiều hướng tăng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai một số biện pháp nhằm hạn chế tối đa những yếu tố phát sinh làm cho lạm phát tăng cao trong năm 2010.

Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Bí thư Huyện ủy Văn Yên thăm một cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng.

YBĐT - 45 năm là khoảng thời gian không dài so với lịch sử dân tộc, song với Văn Yên là chặng đường hết sức quan trọng và vinh quang. Đồng bào các dân tộc trong huyện đã và đang kế thừa xuất sắc truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, phấn đấu đưa Văn Yên từng bước trở thành huyện phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục