Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của các đại biểu QH về “nghịch lý” bội thu 52.000 tỷ đồng nhưng tỷ lệ bội chi, dư nợ quốc gia ngấp nghé ngưỡng không an toàn.
Không điều động được bội thu để giảm bội chi
Bàn đến vấn đề bội chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) “tua” qua một loạt con số: năm 2007, bội chi 56.500 tỷ đồng, đến 2009 con số này đã lên đến 115.900 tỷ đồng, tăng gấp đôi. Kỳ họp trước, Chính phủ dự báo hụt thu khoảng 40.000 tỷ - 60.000 tỷ đồng, đề nghị Quốc hội phải tăng bội chi ngân sách lên dưới 7%.
Nhưng nghịch lý là hết năm đã bội thu gần 52.000 tỷ đồng, bội chi vẫn không giảm. “Tại sao Chính phủ không bố trí để giảm bội chi ngân sách và giảm dư nợ quốc gia?” - ông Tuyết đặt câu hỏi.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cảnh báo chỉ số bội chi là rất đáng lo ngại. Ông Minh “lên án” những dự báo về khả năng thu chi. Theo đó, nếu dự đoán chuẩn khả năng thu ngân sách, Quốc hội sẽ không duyệt tỷ lệ bội chi cao trên 6% cho năm 2009.
Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng nguyên nhân không chỉ là dự báo kém mà do hệ thống tài chính ngân sách quốc gia từ trên xuống, từ dưới lên thiếu trung thực và minh bạch, địa phương luôn đưa số dự thu thấp để được hưởng lợi 50% vượt thu, Chính phủ cũng trình ra Quốc hội số thấp để thực thu vượt cao, Chính phủ chủ động sử dụng phần vượt thu.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh vất vả “thanh minh”, vì năm 2009 suy thoái kinh tế nên Chính phủ buộc phải xin QH cho tăng bội chi, tăng ứng vốn đầu tư phát triển, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ như những giải pháp tình thế đối phó với khủng hoảng.
“Nguồn bội thu 2009 chỉ 13.800 tỷ đồng là tăng ngân sách TƯ, theo quy định là nguồn được phép chuyển để đảm bảo cân đối thì đã chi thưởng tăng thu 4.900 tỷ đồng. Còn tăng thu ngân sách địa phương thuộc quyền địa phương, không thể điều động được để giảm bội chi” - Bộ trưởng Tài chính lý giải.
“Vay nợ quốc gia vẫn vừa phải, tích cực”
Chuyển sang vấn đề nợ công, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết lo ngại, tỷ lệ dư nợ quốc gia đã lên tới 41,9% GDP, dư nợ nước ngoài là 38,9%, tuy Chính phủ khẳng định vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép nhưng cũng sắp tới ngưỡng mất an toàn vì những năm trước chỉ số này chỉ khoảng hơn 30%.
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) tiếp lời, Cục trưởng Cục quản lý nợ công - Bộ Tài chính mới đây cho biết, nợ công cũng lên tới 44,7%. Ông Hải phân tích, vấn đề quan ngại là tăng nợ Chính phủ có bao nhiêu phần là nợ của các doanh nghiệp mà Chính phủ bảo lãnh.
Các đại biểu là chuyên gia kinh tế “lạc quan” hơn về nợ quốc gia (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) lại nhấn vào tỷ lệ nhập siêu cao của nền kinh tế. Đại biểu tỏ ý “choáng” vì con số báo cáo kỳ họp trước chỉ đề xuất chênh lệch cán cân thanh toán 1,9 tỷ USD nhưng chỉ 2 tháng cuối 2009, số lệch lên tới 8,8 tỷ USD.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) trấn an, bản chất nợ không xấu “xài được tiền đi vay của người khác để phát triển là giỏi”. Vấn đề theo ông Lịch là phải làm rõ cơ cấu nợ, khả năng trả nợ đáo hạn hàng năm, so với thu ngân sách để chuyển từ cân bằng ngân sách bị động sang bội thu chủ động.
Ông Lịch chỉ “ngại” tỷ lệ nhập vì trước nay vẫn tự “ru vỗ” là nhập siêu máy móc, nguyên liệu, thiết bị. Nhưng thực tế, việc nhập linh kiện về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa không được 10% thì bản chất là nhập tiêu dùng, không có nền sản xuất riêng.
Bộ trưởng Tài chính lại “phân bua”, các khoản vay nợ vẫn đảm bảo nguyên tắc đều chỉ vay cho đầu tư phát triển, không phát hành thêm tiền, vay ODA với lãi suất nhẹ. Các khoản vay trung, dài hạn là chủ yếu, chiếm đến 86,5%, như vay WB 40 năm, ADB 30 năm, hầu hết tập trung cho các trục đường quan trọng như Long Thành - Dầu Giây, cầu Cần Thơ, Thanh Trì... Các dự án đầu tư này đã phát huy tác dụng lớn, được đánh giá nằm trong tầm kiểm soát, không nằm trong nhóm gánh nặng về nợ.
Về khả năng trả nợ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định đến nay quốc gia vẫn trả đầy đủ các khoản đến hạn, không có khoản nợ xấu. Dư nợ quốc gia, theo ông Ninh vẫn ở mức độ vừa phải, tích cực.
(Theo DT)