Thủ tướng họp về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 2/6/2010 | 2:03:27 PM
Sáng 2/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng họp cùng các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, nhất là Bộ GTVT, để xử lý những vấn đề đặt ra với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh.
Nếu được Quốc hội phê duyệt dự án đường sắt cao tốc HN - TP.HCM thì phải đến năm 2035 Việt Nam mới có những con tàu thế này phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
|
Thông tin này được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, tổ chức chiều 1/6.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010 (diễn ra ngày 1/6), Thủ tướng Chính phủ có đặt vấn đề vào sáng 2/6, Thủ tướng cùng họp với các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, nhất là Bộ GTVT để xử lý những vấn đề đặt ra đối với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nội dung buổi họp trên tinh thần làm dự án có hiệu quả, có nguồn vốn tổ chức thực hiện, công nghệ đáp ứng được yêu cầu lâu dài.
Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT báo cáo đầy đủ hơn về dự án để gửi đến đại biểu Quốc hội nhằm làm rõ thông tin cần thiết, tạo sự đồng thuận đối với dự án đường sắt cao tốc đầu tiên nối liền Bắc – Nam này.
Trả lời câu hỏi Nhật Bản có là nhà đầu tư dự án, Bộ trưởng Phúc nói, Nhật Bản là đối tác chiến lược, nếu được Quốc hội và Chính phủ thông qua thì đó cũng là hướng để xem xét vay vốn triển khai.
“Còn vay ai, vay thế nào, phương thức vay ra sao sẽ được xem xét khả thi nếu như Quốc hội phê duyệt dự án” – Bộ trưởng Phúc nói.
Ngày 8/6 tới đây, Quốc hội sẽ dành cả 1 ngày thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh.
Tên Dự án: Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Chủ đầu tư: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Qui mô Dự án: Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc với tốc độ khai thác 300km/h (V thiết kế = 350 km/h) chuyên chở hành khách, đường đôi, khổ 1,435m, điện khí hóa. Quy mô tuyến: 1.570km; Xây dựng 27 ga. Công nghệ áp dụng: Công nghệ động lực phân tán - EMU (đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản). Diện tích sử dụng đất: Tổng số nhu cầu sử dụng đất là 4.170 ha, và 9.480 hộ cần tái định cư. Tổng mức đầu tư sơ bộ: 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55.853 triệu USD (khoảng 35,6 triệu USD/km) Dự kiến tiến độ thực hiện: Dự án bắt đầu thực hiện thiết kế xây dựng vào năm 2012. Giai đoạn I: Đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - T. Hồ Chí Minh; Giai đoạn II: Đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035. |
(Theo VTC)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 1/6, QH họp tại hội trường. Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo của Ủy ban thường vụ QH giải trình tiếp thu, chính lý dự thảo Luật an toàn thực phẩm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm 2010, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả, không để tình trạng tăng giá bất hợp lý, trong đó đáng chú ý là kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng tăng giá đất và nhà ở.
YBĐT - Ngày 1 – 6, Đảng bộ Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đã tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ XI nhiệm kỳ (2010 – 2015) nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ (2010 – 2015).
YBĐT - Kỷ niệm ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trẻ em”, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã đến thăm và tặng quà thiếu nhi tại huyện Trạm Tấu và huyện Văn Chấn.