Chính phủ họp trực tuyến triển khai nghị quyết về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2011 | 1:19:01 PM

Sáng 24-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. >>> Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát

Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo
Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giới thiệu Nghị quyết, tập trung vào 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện các mục tiêu trên.

Đó là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để các nội dung trên một cách đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã dành nhiều thời gian để giải thích cặn kẽ nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ và tài khóa. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hài hòa giữa hai nhóm chính sách này, theo đó nhất định phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán vào khoảng 15% – 16%. Vốn tín dụng sẽ được ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghịêp nhỏ và vừa. Giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Sáng 24-2, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 năm 2011 ước đạt 5,25 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cao hơn mức tăng của kim ngạch nhập khẩu (23%). Trừ hạt tiêu và than đá giảm về kim ngạch so với cùng kỳ, các mặt hàng khác đều tăng về kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng nông nghiệp như thủy sản, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm, cao su, rau quả…mà Việt Nam vốn có thế mạnh vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt; các mặt hàng khác cũng có mức tăng mạnh là sắt thép (gần 85%), cao su tăng 175%, dệt may tăng hơn 50%, túi xách, ví, va li, mũ tăng gần 47,6%. Trong 2 tháng đầu năm, những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao nhất là xăng dầu 60,6%, ô tô 25,4%, xe máy 24,8%, tân dược 28,2%, điện tử, máy tính, linh kiện 38,4%...

Phó Thủ tướng khẳng định, tỷ giá và thị trường ngoại hối phải được điều hành linh hoạt. “Sự thật là cân đối ngoại tệ ra – vào của ta vẫn có số dư, hoàn toàn có thể bảo đảm thanh khoản, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối. Nhưng tới đây, vấn đề quan trọng là phải củng cố được lòng tin của người dân vào đồng nội tệ”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nói.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách 7%-8% so với dự toán năm 2011 đã được Quốc hội thông qua; sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm tiền lương và các khoản có tính chất lương; chi chế độ chính sách cho con người và tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm).

Hai đối tượng đầu tiên nằm trong “tầm ngắm” của tiết giảm chi tiêu là các đơn vị thụ hưởng ngân sách và các doanh nghiệp nhà nước. “Sẽ tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, không bố trí kinh phí cho những việc chưa thật sự cấp bách… Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán trừ các trường hợp hết sức đặc biệt đã được quy định rõ và tiến tới chấm dứt việc tạm ứng vốn ngân sách cho các địa phương”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu cụ thể.

Đáng lưu ý, Chính phủ sẽ điều hành để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP (mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là dưới 5,3%); giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, nhất là vay ngắn hạn… 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Nếu không tăng giá, năm 2011 ngành điện sẽ lỗ tiếp 29,5 ngàn tỷ đồng”

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố các Quyết định số 268QĐ-TTG và 269/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện.

Giải thích thêm về các quyết định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Theo tính toán đầy đủ tại thời điểm này, nếu muốn cắt lỗ, giá bán điện sẽ phải tăng tới 668 đồng/kWh, tức là tăng thêm 62% so với hiện nay. Tuy nhiên, để không gây “sốc” cho nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, giá điện chỉ tăng chưa tới 1/3 mức đó mà thôi. Để giữ giá như thế, Nhà nước phải chấp nhận lùi chi phí khấu hao, lùi giá bán than cho ngành điện, tạm thời không thu phí bảo vệ môi trường và khoanh lỗ cũ để xử lý dần. Ngành điện cũng phải chấp nhận không có lãi”.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng khẳng định, nếu không tăng giá, năm 2011 ngành điện sẽ lỗ tiếp 29,5 ngàn tỷ đồng sau khi đã bị lỗ tổng cộng 28 ngàn tỷ đồng trong năm 2010. Nền kinh tế sẽ không thể chịu đựng nổi số lỗ lớn như vậy.

Tương tự, đối với xăng dầu. Bộ Tài chính đã quyết định cho phép các doanh nghiệp đầu mối được tăng giá xăng 2.900 đồng/lít, lên mức 19.300 đồng/lít kể từ 10 giờ sáng nay (24-2).

Theo Bộ trưởng Ninh, mức tăng kể trên cũng chưa thể cắt lỗ cho các doanh nghiệp, khi mà giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang đà tăng mạnh. Riêng trong năm 2010, tổng lỗ do không điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường thế giới đã lên đến khoảng 16,4 ngàn tỷ đồng.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Đồng chí Trần Đức Lương làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Trong ba ngày (từ 21 -23/2/2011), đồng chí Trần Đức Lương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Yên Bái.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp nguyên Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đường Gia Triền.

Chiều 23/2, tiếp nguyên Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đường Gia Triền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi thương mại, qua đó đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt con số ấn tượng hơn.

Đồng chí Trương Tấn Sang gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang chỉ đạo công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Nông dân các xã vùng sâu huyện Yên Bình làm đất cấy lúa đông xuân. (Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Tân Nguyên là xã vùng II của huyện Yên Bình nhưng vẫn còn 4 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao và chưa bền vững...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục