Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát công tác quản lý, khai thác khoáng sản tại huyện Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ tư, 25/4/2012 | 5:29:47 PM
YBĐT - Tiếp tục Chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2000 - 2011 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, ngày 25/4, Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi giám sát tại huyện Trấn Yên.
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại huyện Trấn Yên.
|
Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và huyện Trấn Yên.
Đoàn đã có cuộc kiểm tra thực tế tại mỏ tuyển quặng sắt Kim Bình thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Yên trên địa bàn xã Hưng Thịnh. Sau khi đi kiểm tra thực tế, Đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các xã Hưng Thịnh, Lương Thịnh, Hưng Khánh, Việt Cường và đại diện một số công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Qua báo cáo của lãnh đạo các xã có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cho thấy, nhìn chung việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp chấp hành khá cơ bản. Một số doanh nghiệp đã tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội như tặng quà hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà văn hóa các thôn, đóng các loại thuế…
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đã tác động không nhỏ tới tài nguyên môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa bàn như: vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường giao thông, ô nhiễm nguồn nước, nứt nhà dân, nghiêm trọng hơn có những công trình đầu tư của Nhà nước bị ảnh hưởng như công trình nước sạch ở thôn Kim Bình xã Hưng Thịnh; đập thuỷ lợi Khe Bát, xã Lương Thịnh bị vùi lấp…
Ngoài ra, tiến độ các dự án còn chậm. Nhiều dự án mặc dù được cấp phép nhưng chưa tiến hành các hoạt động khai thác, đền bù giải phóng mặt bằng gây bức xúc trong nhân dân. Mối quan hệ doanh nghiệp với nhân dân trên địa bàn còn nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết kịp thời...
Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thống - Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận rằng hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn có những đóng góp cho địa phương, song còn rất nhiều hạn chế, tác động nhiều đến tài nguyên môi trường và ảnh hưởng tới đời sống nhân dân theo hướng bất lợi cho địa phương và nhân dân.
Thời gian tới, đồng chí yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định, đảm bảo hài hoà 3 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Riêng việc hư hỏng công trình nước sinh hoạt ở thôn Kim Bình và công trình thuỷ lợi ở Lương Thịnh, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương khắc phục để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của địa phương và nhân dân.
Đoàn làm việc với lãnh đạo các địa phương tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên.
Trên địa bàn huyện Trấn Yên có tổng số 36 điểm mỏ, trong đó có 32 điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó 14 điểm mỏ có giấy phép đến nay đã hết hiệu lực.
Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản đã được UBND các cấp cùng các sở, ngành quan tâm triển khai và điều chỉnh kịp thời phù hợp với các quy định của pháp luật, song thực tế kết quả đạt được chưa cao, quá trình thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém: một số dự án chậm do các đơn vị thiếu vốn; có những mỏ trữ lượng thấp; một số đơn vị chấp hành không nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường, ký hợp đồng thuê đất, thiết kế thi công trong khai thác khoáng sản…
Hoạt động khai thác khoáng sản còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường, hạ tầng giao thông, trong đó có cả đường do nhân dân đóng góp…
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên kiến nghị: Cần sớm ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản làm cơ sở quản lý hoạt động khoáng sản tại địa phương; xây dựng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; bố trí kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường…
Kết luận cuộc giám sát đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị: Để làm tốt công tác quản lý khai thác khoáng sản, địa phương cần thực hiện đúng trình tự từ thăm dò cấp phép đến khai thác lưu ý những vấn đề liên quan về đất đai, rừng, giải phóng mặt bằng; quản lý cần gắn chặt với công tác thanh tra, kiểm tra; quản lý chặt chẽ việc sử dụng hạ tầng giao thông; xác định hàm lượng quặng cụ thể để quản lý và thu thuế hạn chế thất thoát…
Ngọc Tú
Các tin khác
Bản "Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc" mà Trung Quốc mới công bố, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 24-4, Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pany Yathotou và Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội hai nước tới dự lễ trao bằng và khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
YBĐT - Ngày 23 và 24/4, Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Lục Yên.
YBĐT - Ngày 24/4, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh tổ chức quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho các đồng chí là bí thư, phó bí thư các chi đảng bộ cơ sở trực thuộc.