Công tác kiểm định chất lượng hiện nay chưa được triển khai thường xuyên và bài bản
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/5/2012 | 1:43:59 PM
YBĐT - Bên lề phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm trao đổi: Qua nghiên cứu dự luật, tôi quan tâm đến vấn đề về kiểm định chất lượng GD. Khi tính tự chủ của các nhà trường cao thì kiểm định chất lượng GD trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng GD.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tại phiên thảo luận sáng 25/5.
|
Đây là một trong những cơ chế thúc đẩy sự tiến bộ của nhà trường. Kiểm định chất lượng được thực hiện với bộ tiêu chí đòi hỏi nhà trường phải chứng minh mục tiêu đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung, đạt mức chất lượng cam kết, bảo đảm sự minh bạch, chịu trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Từ năm 2004, Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường ĐH. Đến nay, đã có 200 ĐH và cao đẳng, 100 chương trình ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá...
Kết quả tự đánh giá cho thấy các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, công tác kiểm định chất lượng hiện nay chưa được triển khai thường xuyên và bài bản do chưa có hệ thống các tổ chức kiểm định. Việc thành lập và điều hành các tổ chức kiểm định chất lượng GD là công việc còn rất mới ở nước ta.
Vì vậy, trong những năm đầu thực hiện chỉ nên tập trung kiểm định các trường ĐH để rút kinh nghiệm mở rộng cho các trường cao đẳng, tiếp theo mới là kiểm định chương trình.
Điều 51 của dự thảo đã đưa ra những qui định đối với tổ chức kiểm định chất lượng GD. Tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH được thành lập khi có đề án phù hợp với qui hoạch mạng lưới chung, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động, công khai tiêu chuẩn, kết quả kiểm định và báo cáo kết quả với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về quyền hạn của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH như qui định của điều 49 là phù hợp.
Theo đó, cơ sở GDĐH xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng GD; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH; được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng GD để kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở GDĐH.
"Trên cơ sở kết quả kiểm định làm căn cứ để xác định chất lượng, vị thế, uy tín của cơ sở. Như vậy, dự thảo Luật GDĐH được ban hành sẽ là công cụ pháp lý cơ bản để thực hiện việc kiểm định chất lượng GDĐH, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo đại học" - đại biểu Nhiệm nói.
Cũng trong phiên thảo luận sáng 25/5, nhiều đại biểu nhất trí với chủ trương về giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, nhất trí với qui định 6 lĩnh vực hoạt động chủ yếu. Nhưng luật cần qui định cụ thể hơn về các lĩnh vực hoạt động khác của các cơ sở GD. Việc giao quyền tự chủ trên cơ sở đã phân tầng GDĐH. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm bảo đảm sự quản lý thống nhất của nhà nước.
Luật cũng nên bổ sung thêm qui định về cơ cấu, quyền hạn, chức năng của tổ chức kiểm định chất lượng các cơ sở GDĐH.
Về thành lập hội đồng trường, các đại biểu cho rằng hội đồng trường chính là để giao quyền tự chủ, phù hợp với điều lệ đã ban hành trước đây. Cần có qui định hướng dẫn hoạt động, kiểm tra giám sát, gắn trách nhiệm đối với những thành viên hội đồng trường.
Việc thành lập hội đồng trường cần có thiết chế qui định cụ thể. Để khách quan hơn thì nên qui định hiệu trưởng, giám đốc các nhà trường không được đảm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng trường.
Một số ý kiến cho rằng, cần đưa vấn đề chất lượng và đầu ra cho sinh viên vào luật. Bởi theo khảo sát hiện nay 50% sinh viên ra trường không có việc làm và làm việc không đúng ngành, nghề được học nên phải đào tạo thêm, đào tạo lại gây lãng phí thời gian, kinh phí đào tạo của gia đình và xã hội. Chính phủ ban hành khung xếp hạng cơ sở GDĐH.
Không nên đổi tên đại học quốc gia vì đây là cơ sở hàng đầu đã có thương hiệu từ nhiều năm nay. Đối với khung học phí, lệ phí do chính phủ qui định là hợp lý. Tuy nhiên, cần có qui định khung rộng hơn để các trường chủ động lựa chọn có mức thu phù hợp theo từng cơ sở.
Chiều 25/5, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi).
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Từ ngày 21 – 25/5, Đảng ủy khối doanh nghiệp tổ chức lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới khóa I năm 2012 với sự tham gia của 55 học viên đến từ 18 chi, đảng bộ trực thuộc Đảng ủy khối.
Ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động nghề cá hợp pháp, bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
YBĐT - Tái cơ cấu kinh tế trước hết phải tạo sự ổn định, mấu chốt là xử lý lạm phát. Đó là ý kiến của đại biểu Dương Văn Thống - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tại phiên thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế chiều 24/5.
YBĐT - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Công Bình cho rằng, công tác dự báo, thống kê chưa được tốt, sát thực tế. Nên Chính phủ cần có giải pháp tốt hơn đề khắc phục vấn đề này.