Sức mạnh của niềm tin

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/7/2012 | 2:52:08 PM

YBĐT - Thực tế ở Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho thấy, khi Đảng bộ, chính quyền địa phương quyết tâm đổi mới, biết chăm lo cho đời sống của nhân dân thì sẽ có được niềm tin, tạo sức mạnh đoàn kết, làm nên thành công trên mọi lĩnh vực.

Giống ngô NK 4.300 trồng ở Việt Thành đạt năng xuất 10 tấn/ha/vụ.
Giống ngô NK 4.300 trồng ở Việt Thành đạt năng xuất 10 tấn/ha/vụ.

Ông Nguyễn Thành Lê - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trấn Yên là người có nhiều năm gắn bó với cơ sở để triển khai các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp. Quá trình làm mô hình điểm thường gặp những rào cản như tâm lý do dự của nông dân, sự thiếu quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền cơ sở hoặc vướng phải những rủi ro khách quan... Nhưng đối với Việt Thành, điều ấn tượng nhất là người dân địa phương khá năng động trong tư duy kinh tế, giàu kinh nghiệm sản xuất.

Đặc biệt, bất kỳ mô hình nào được triển khai khảo nghiệm ở đây đều được bà con tham gia mạnh dạn, nhiệt tình bằng sự lạc quan vào hiệu quả kinh tế. Thế nên đã có nhiều mô hình được xây dựng thành công ở Việt Thành để nhân ra diện rộng.

Cũng từ cảm nhận của một người từng nhiều năm gắn bó với Việt Thành, ông Lê còn cho rằng, bên cạnh sức mạnh nội lực từ người dân thì điều kiện tiên quyết tạo nên những thành công hôm nay trong phát triển kinh tế chính là vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Bởi lẽ, khi đưa một mô hình khảo nghiệm về cơ sở, bao giờ cũng phải quan tâm đến vấn đề hệ thống chính trị ở nơi đó có quyết tâm đổi mới và tích cực đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào đời sống thực tế ở cơ sở hay không; có tập hợp được sức mạnh và tổ chức nhân dân thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi hay không... Việt Thành chính là địa phương đã đáp ứng được những yêu cầu đó.

Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tế lại là một vấn đề không hề đơn giản. Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết, mỗi một mô hình khảo nghiệm được chỉ đạo đưa về xã, Đảng uỷ, chính quyền bao giờ cũng phải bàn bạc, suy xét kỹ lưỡng đến những yếu tố khả thi cũng như những rủi ro cần phải xác định rõ. Sau khi cân nhắc kỹ sẽ tiếp tục bàn bạc với cơ sở nhằm tiếp thu ý kiến của nhân dân để đạt được sự đồng thuận mới xây dựng nghị quyết triển khai.

Đặc biệt, khi bắt tay thực hiện mô hình điểm, bao giờ cũng phải lựa chọn những người hoặc tổ chức thực sự tâm huyết để giao phó công việc. Cụ thể, khi xã triển khai mô hình phát triển tre măng Bát Độ, mô hình này được giao cho Chi hội Cựu chiến binh thôn 1 đảm nhiệm; mô hình trồng dâu nuôi tằm giao cho một số hộ nông dân tâm huyết ở thôn 9, thôn 10.

Nhờ có cách làm phù hợp với tinh thần quyết tâm cao, rất nhiều mô hình điểm về chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đã nhanh chóng khẳng định hiệu quả. Dẫu vậy, bất kỳ một thành công nào cũng đều phải trải qua những thử thách.

Đơn cử như mô hình cây tre măng Bát Độ, khi mới có sản phẩm, người dân gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Còn nghề dâu tằm đang phát triển thì lũ lụt đã phá hoại cả một vùng dâu rộng lớn; kén tằm nhiều lúc cũng khó khăn trong tiêu thụ, giá cả bấp bênh hoặc bị ép giá... khiến không ít người dao động tâm lý. Trong những thời điểm khó khăn ấy, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn đồng hành, động viên nhân dân vững tâm, kiên trì thực hiện mô hình khảo nghiệm.

Đồng thời, thông qua mối liên hệ mật thiết với các cơ quan chức năng của huyện, mối quan hệ với đối tác, cấp uỷ, chính quyền xã Việt Thành cố gắng tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân bởi đây là khâu mấu chốt khẳng định hiệu quả sản xuất.

Cùng đó, nhiều giống cây, giống con tốt nhất cùng những tiến bộ kỹ thuật ưu việt nhất vẫn tiếp tục được chuyển giao đến nông dân. Với những nỗ lực đó, đến nay, nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Điển hình như mô hình trồng dâu nuôi tằm, từ những mô hình khảo nghiệm ở hai thôn nay đang phát triển thành tổ hợp sản xuất, làng nghề với một nửa số thôn trong xã tham gia. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện, mỗi héc-ta trồng dâu và nuôi tằm sau khi trừ mọi chi phí mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng. Năm 2011, thu nhập từ sản phẩm kén tằm của Việt Thành ước đạt khoảng 5 tỷ đồng.

 Những thôn làm điểm nuôi tằm sớm từ năm 2001 đến nay, nhà cửa đã được xây dựng khang trang nhất xã. Trong đó, hộ ông Bùi Văn Thái ở thôn 10 vừa xây ngôi nhà trị giá gần 1 tỷ đồng và dự tính sẽ xây thêm một ngôi nhà nữa cho người con trai; gia đình ông Trần Văn Đức ở thôn 9 chỉ có hai lao động nhưng nhà cửa cũng rất khang trang và nuôi được ba con học đại học là nhờ nghề dâu tằm.

Ông Bùi Văn Thái ở thôn 10 nhờ nuôi tằm đã xây được ngôi nhà trị giá gần 1 tỷ đồng.

Hiện tại, Việt Thành đang tập trung nhân rộng mô hình trồng lúa chất lượng cao với giống Hương Chiêm và giống lúa đặc sản ĐSI, trong đó giống ĐSI được nông dân chú trọng hơn. Năm 2010, diện tích khảo nghiệm lúa ĐSI mới có 1,5ha, năm 2011 là 5ha nhưng đến vụ chiêm 2012 đã đạt 20ha, vụ mùa tăng lên 40ha. Ưu điểm của giống này là khả năng thích nghi lớn trên mọi chân ruộng, chịu hạn, chịu rét, kháng bệnh tốt, năng suất cao. Đây là giống lúa thuần nên tự để được giống, giúp giảm chi phí và giá bán hiện nay là 11.000 đồng/kg - giá cao nhất trong các giống lúa tẻ ở Yên Bái.

Điều rất đáng trân trọng nữa là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền trong sản xuất nông nghiệp nên Việt Thành đang hình thành những vùng chuyên canh. Vùng trồng dâu nuôi tằm ở thôn 3, 6, 7, 8, 9, 10 với gần 40ha, chiếm hơn 1/3 diện tích dâu toàn huyện. Vùng tre măng Bát Độ ở thôn 1 khoảng 25ha đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng chè chủ yếu ở thôn 2 có trên 90ha đang được đẩy mạnh cải tạo bằng những giống mới. Vùng chuyên canh ngô ổn định ở diện tích gần 20ha với những giống cho năng suất cao như ngô NK đạt năng suất khoảng 10 tấn/vụ.

Vùng trồng gỗ nguyên liệu trên 130ha và có một xưởng chế biến gỗ bao bì của ông Đặng Văn Thành ở thôn 5 đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng rừng. Chăn nuôi lợn mỗi năm khoảng 3.000 con; gà, vịt trên 21.000 con và dù chăn nuôi lợn khó khăn nhưng xã vẫn có tới 4 hộ nuôi lợn theo mô hình trang trại.

Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền trong lãnh đạo phát triển kinh tế, đến nay, bộ mặt nông thôn của Việt Thành đã thay đổi đáng kể so với 10 năm trước. Đường liên thôn cơ bản được bê tông hoá. Tỷ lệ số hộ có nhà xây kiên cố đạt trên 80%, không còn hộ nào phải ở nhà dột nát; số hộ nghèo chỉ còn 57/810 hộ, cận nghèo là 10 hộ.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xác định kiên trì, chủ động chuyển đổi cây, con giống cho hiệu quả kinh tế cao, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới cũng như không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 Thực tế ở Việt Thành cho thấy, khi Đảng bộ, chính quyền địa phương quyết tâm đổi mới, biết chăm lo cho đời sống của nhân dân thì sẽ có được niềm tin, tạo sức mạnh đoàn kết, làm nên thành công trên mọi lĩnh vực.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - Ngày 31/7, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Tây Bắc và Đại học Quốc gia Hà Nội đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái.

Một buổi sinh hoạt chi bộ phố Tân Trung 1, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Đức Toàn)

YBĐT - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có được thực hiện hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc mạnh dạn, thẳng thắn đóng góp ý kiến của các tập thể, cá nhân trong và ngoài cơ quan, đơn vị các cấp với tinh thần xây dựng.

Cử tri đề nghị nhà nước cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ ngư dân.

Bộ Ngoại giao khẳng định thông tin trên khi trả lời bằng văn bản kiến nghị, chất vấn của cử tri gửi tới Quốc hội về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ đưa khu mỏ Tây Khosedaiu của Liên doanh dầu khí Rusvietpetro vào khai thác công nghiệp.

Tiếp tục các hoạt động thăm chính thức Liên bang Nga, ngày 29-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã rời thủ đô Mátxcơva đến thành phố Naryan Mar thuộc Khu tự trị Nenetskiy (Liên bang Nga).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục