Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính về đất đai
- Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2012 | 9:10:49 PM
Sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân các quyết định hành chính về đất đai. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2012.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân các quyết định hành chính về đất đai.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, bản báo cáo chưa thể hiện rõ cơ quan được giám sát cũng như trách nhiệm phối hợp, giải trình của cơ quan này. Các cơ quan hành chính đã công nhận khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 47,8% tổng số khiếu nại tố cáo. Tòa án hai cấp xử thì có thêm 19,5% đúng nữa; nghĩa là người dân khiếu nại đúng tới 67,5%, đồng nghĩa với việc các quyết định hành chính về đất đai sai tương đương mức đó. Ít có lĩnh vực hành chính nào sai nhiều đến thế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội là Chính phủ. Lưu ý rằng đây không phải là cuộc giám sát khiếu nại tố cáo nói chung, ông Phan Trung Lý cho rằng, Báo cáo cần lược bớt đi những phần chung, xoáy sâu phân tích những bất cập trong lĩnh vực việc ban hành những quyết định hành chính về đất đai. Thẳng thắn mà nói là công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này chưa tốt, bởi có đến gần 70% quyết định bị khiếu nại là “có vấn đề”.
Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý phân tích thêm, vẫn có trường hợp quyết định hành chính được ban hành đúng với các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng khiếu nại của người dân vẫn có cơ sở. Đó là trường hợp khung chính sách còn tồn tại những bất hợp lý. Mặc dù khối lượng tài liệu được cung cấp qua hoạt động giám sát là rất lớn, nhưng lại quá chung chung, không phân định được những trường hợp cụ thể này và “không có tên đất, tên người nào cả”!
Ông Phan Trung Lý cũng đề nghị, trong các loại quyết định hành chính, cần đặc biệt chú ý đến hình thức “Thông báo” - vốn không thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại được sử dụng khá phổ biến với nội dung có chứa quy phạm pháp luật.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu trong trong phiên họp sáng 18/9. |
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặc biệt lo lắng về xu hướng gia tăng các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người: Nếu không giải tỏa áp lực này, tôi e rằng khi Luật Đất đai sửa đổi tới đây có hiệu lực, sự chuyển giao cũ - mới sẽ còn phức tạp hơn nữa.
Trong khi đó, từ thực tế tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định: Công tác thanh tra xử lý sai phạm trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Không ít quyết định ban hành sai là do tiêu cực, tham nhũng, trên bao che cho dưới… Tôi biết có vụ việc ở Phú Thọ, qua 2 đời Tổng Thanh tra Chính phủ không giải quyết được, đến giờ này cũng chưa ổn. Ông Nguyễn Kim Khoa bức xúc: Có trường hợp chỉ trong 1-2 ngày mà cùng một ông Chủ tịch tỉnh ký ban hành hai quyết định về cùng một vụ việc với ý kiến trái ngược nhau. Ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, còn có nguyên nhân quan tọng là sự vô cảm, thờ ơ. Trong khi chỉ một tuần nữa là lúa chín, người dân có thể thu hoạch mà cứ cho xe ủi đổ đất san lấp mặt bằng thì rất khó chấp nhận. Tại sao có vụ cướp tiệm vàng còn điều tra ra ngay được, mà cưỡng chế phá nhà dân trái phép thì hàng tuần lễ liền không xác định được trách nhiệm ở đâu?
Có cùng nhận định là các kiến nghị nêu trong Báo cáo đều rất đúng, nhưng không có trọng tâm, trọng điểm, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh một yêu cầu quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và lĩnh vực này nói riêng: tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại với người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Ông Uông Chu Lưu đề nghị, Báo cáo giám sát cần tập trung phân tích những dạng sai phạm của các quyết định hành chính, cũng như chỉ ra những khoảng trống và điểm bất hợp lý trong chính sách, từ đó nêu ra giải pháp.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương lại đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bà Nương nêu vấn đề: Thực tế, do bận rất nhiều việc nên người đứng đầu UBND thường ủy quyền cho các cấp giải quyết, còn tự mình chỉ ký quyết định. Như thế thì rất khó sửa sai, một khi người đứng đầu đã ký quyết định giải quyết ban đầu rồi thì làm lại là rất khó khăn. Cho nên phải xác định lại, chặt chẽ hơn về thẩm quyền giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu chỉ đạo hoàn thiện Báo giám sát, nhắc nhở: Góc nhìn của đoàn giám sát ở đây là từ ý kiến, khiếu nại của dân mà giám sát xem cơ quan nhà nước làm sai hay đúng; từ đó chấn chỉnh hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời kết hợp với sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai. Dự thảo nghị quyết hiện nay là chưa tốt, chưa sát, cần tiếp tục hoàn thiện. Cần nhớ rằng quyết định hành chính của nhà nước dù chỉ sai một phần cũng phải coi là sai. Ngay cả khi quyết định hành chính là đúng hoàn toàn mà dân vẫn khiếu nại thì phải xem xét lại vấn đề chính sách.
|
Chiều 18-9, UBTVQH nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự luật.
Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định; bảo đảm các quy định phải phù hợp với thực tiễn, nhất là phải toàn diện, đầy đủ và cụ thể.
Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập UBTP đề nghị quy định cụ thể những nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như việc cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh…
Có ý kiến đề nghị, cùng với việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức thì đồng thời cũng cần quy định việc kê khai tài sản, thu nhập của cả bố mẹ, vợ, chồng, con cái (kể cả đã thành niên), anh em ruột của người có nghĩa vụ phải kê khai, góp phần khắc phục tính hình thức và hiệu quả thấp trong công tác kê khai, minh bạch tài sản thời gian qua.
Liên quan đến quy định về tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng, dự thảo Luật quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.
Cho rằng quy định này là cần thiết, song UBTP lưu ý, do quy định có liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật nên nhất thiết phải quy định ngay trong dự án Luật những căn cứ để xác định một hành vi được coi là có dấu hiệu tham nhũng, đồng thời phải quy định rõ nếu qua xác minh kết luận cán bộ, công chức, viên chức không tham nhũng thì họ phải được phục hồi vị trí công tác, bồi thường về danh dự và lợi ích vật chất.
Mặt khác, theo UBTP, một người đã có dấu hiệu tham nhũng lại được chuyển sang vị trí công tác khác là không hợp lý và sẽ bất cập khi áp dụng, tạo kẽ hở cho việc bao che hành vi tham nhũng, đồng thời sẽ gây dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý góp ý: Quy định về kê khai tài sản như dự thảo vẫn hình thức, mà khả năng bị lợi dụng còn lớn hơn là mặt tích cực. Cốt lõi là phải kiểm soát được thu nhập. Mở rộng đối tượng kê khai cũng không có mấy tác dụng.
Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, có thể công khai bản kê khai tài sản ở cả cơ quan và nơi cư trú, nhưng cân nhắc hình thức nào cho phù hợp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ băn khoăn: Sửa tới 50 điều mà thông qua tại một kỳ họp là quá vội, khó đảm bảo chất lượng. Việc mở rộng diện kê khai tài sản (cả người thân, ruột thịt của đối tượng kê khai) là không khả thi.
Có quan điểm khác với Chủ nhiệm UBPL Pháp luật, ông Ksor Phước cho rằng, thay vì công khai tài sản ở nơi cư trú, dự luật nên có quy định cơ quan quản lý đối tượng kê khai có biện pháp kiểm tra, xác minh tính trung thực của việc kê khai.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đồng tình với UBTP không nên cho chuyển vị trí công tác đối với cán bộ có dấu hiệu tham nhũng. Về quy định luân chuyển cán bộ để hạn chế tham nhũng, ông Phước nhận định: Ở đây phải xét đến yếu tố chuyên môn. Một kế toán giỏi chuyển sang làm văn thư cũng không được. Nên chăng chỉ quy định luân chuyển vị trí lãnh đạo.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Thành viên cấp cao của Tiểu ban về châu Á và Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega vừa ra thông cáo báo chí cho rằng cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2011 mang mã số H.R.1410 mà Hạ viện Mỹ vội vã biểu quyết thông qua tối 11/9 vừa qua là một bước đi lạc hướng.
YBĐT - Tôi thấy Nghịquyết Trung ương 4 rất sát với tình hình thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Chiều 17-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp chuyên đề, thảo luận về dự thảo ý kiến của Chính phủ đối với Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
YBĐT - Ngày 17/9, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và triển khai một số vấn đề tiếp theo trong thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.