Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Xây dựng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/11/2012 | 9:04:03 PM

YBĐT - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong ngày 12/11.

Mở đầu phiên chất vấn ngày đầu tuần, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội (QH) về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba, QH khoá XIII. Tiếp đó, QH sẽ dành 2 ngày rưỡi để 3 bộ trưởng, Thống đốc ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn. Nhiều vị bộ trưởng cũng sẽ giải trình làm rõ thêm các vấn đề chất vấn.

Giải quyết hàng tồn kho, hàng nhập lậu, thủy điện
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng. Ngoài 13 ý kiến chất vấn của đại biểu gửi bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Công thương đã trả lời các vấn đề nổi cộm của 23 đại biểu chất vấn trực tiếp.

Hàng tồn kho - vấn đề đã được Bộ trưởng đề cập trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội trước đó. Trong phiên chất vấn này, các đại biểu cho rằng, ngoài đánh giá nguyên nhân, thực trạng hàng tồn kho, Bộ trưởng cần làm rõ hơn trách nhiệm của bộ trong công tác qui hoạch, dự báo, quản lý chất lượng hàng hóa, giá thành sản phẩm…

Bộ trưởng thừa nhận việc qui hoạch bố trí sản xuất có bất cập, công tác quản lý kiểm tra, dự báo hạn chế. Để khắc phục, bộ đã xem xét lại vai trò quản lý nhà nước, cảnh báo các đơn vị doanh nghiệp xem xét, cân nhắc, chủ động bố trí lại sản xuất hàng hóa phù hợp tình hình.

Bộ có triển khai một số biện pháp tăng cường xúc tiến hoạt động thương mại; phối hợp với các bộ liên quan bàn bạc, dẫn dắt các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Tỷ lệ hàng tồn kho tính đến tháng 10/2012 giảm còn 20% và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011.

Vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn thêm đó là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường khi để hàng hóa, nông sản, gia cầm kém chất lượng nhập lậu vào Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề không mới nhưng còn nhiều việc bộ chưa làm được, hàng giả, hàng nhái nhập lậu vẫn lưu thông trên thị trường. Ngoài lực lượng quản lý thị trường còn có lực lượng công an, y tế… nhưng việc ngăn chặn chưa mấy hiệu quả.

Giải pháp tới đây là tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý về quản lý thị trường, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lực lượng chức năng, tăng cường phối hợp ngăn chặn, xử lý triệt để hàng kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Bộ cũng đã đề xuất biện pháp kiên quyết  thắt chặt quản lý, xử lý tận gốc việc vận chuyển tiêu thụ hàng nhập lậu, nhất là gia cầm; tiếp tục phối hợp đồng bộ trong mô hình chung của Ban chỉ đạo 127 T.Ư giảm nhập siêu, chống hàng nhập lậu.

Một vấn đề mà các đại biểu chất vấn gắt gao là việc xây dựng nhà máy thủy điện ảnh hưởng môi trường, đời sống người dân phải di dời nhường đất xây dựng thủy điện, bộ đã rà soát cắt giảm không đưa vào qui hoạch 156 dự án xây dựng nhà máy thủy điện.

Riêng việc xem xét dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A nằm trong vùng rừng phòng hộ, đặc dụng, Bộ trưởng cho biết đang trong quá trình xem xét. Sau khi Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm định đánh giá tác động, bộ sẽ cân nhắc lại, nếu tác động quá lớn sẽ dừng dự án. Còn việc tái trồng diện tích rừng bị mất do xây dựng thủy điện là rất khó thực thi. Bộ cũng đã đề xuất cùng với địa phương triển khai trồng bù trên diện tích khác nhưng thực tế cũng khó thực hiện do quĩ đất để trồng còn hạn hẹp.

Bộ trưởng công nhận, đúng là nhiều nơi xây dựng nhà máy thủy điện, thậm chí đã xây dựng hàng chục năm như Hòa Bình, Thác Bà (Yên Bái) nhưng đời sống đồng bào đến khu ở mới vẫn còn nhiều khó khăn, người dân chưa được hưởng lợi từ công trình điện. Với yêu cầu của bà con và đề xuất của các địa phương, Chính phủ đã xem xét thông qua các chương trình mục tiêu. Bộ sẽ phối hợp với địa phương xem xét có phương án xây dựng chính sách đặc thù hơn cho vùng này. Có phương án linh hoạt hơn trong giải quyết việc làm cho bà con phù hợp với địa bàn, trình độ dân trí.

Đối với nơi xây dựng thủy điện có qui mô lớn sẽ duy trì đề án khuyến công, khuyến nông bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bộ đã trình Chính phủ triển khai đề án đầu tư xây dựng công trình điện đến các thôn, bản, huyện đảo chưa có điện đến năm 2020.

Trách nhiệm quản lý công trình xây dựng
Cuối phiên họp chiều, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Các câu hỏi của đại biểu liên quan nhiều đến công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, nhất là xử lý bất động sản đóng băng, đất bỏ hoang; đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới; công tác quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng thuỷ điện (như thủy điện Sông Tranh 2), công trình quan trọng quốc gia; quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị; vấn đề lãng phí, thất thoát trong ngành xây dựng…

Trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ trưởng Dũng đã nhận rõ trách nhiệm của bộ trước tình trạng lãng phí, thất thoát các công trình xây dựng.

Ông Dũng khẳng định, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà một phần do thể chế chưa được hoàn thiện. Ngay trong Luật Xây dựng, công tác kiểm soát chủ yếu giao cho chủ đầu tư nhưng nhiều chủ đầu tư hạn chế trong khâu quản lý, kiểm soát, trình độ. Công tác kiểm tra thanh tra chưa chặt chẽ, năng lực của một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu…

Bộ trưởng cho rằng phải có chế tài mạnh đối với sai phạm trong đầu tư xây dựng. Trách nhiệm Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng bổ sung luật. Bộ đã trình Chính phủ có nghị định về tăng cường quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về công trình xây dựng. Hiện nay, cả nước có 54.000 công trình đang đầu tư, chất lượng cơ bản đã kiểm soát được. Các công trình có sự cố chủ yếu các công trình cấp 3 trở xuống, công trình dân tự xây dựng.

Thị trường bất động sản đóng băng là vấn đề tồn kho bất động sản, các sản phẩm dở dang, nền đất các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Vốn cho bất động sản chủ yếu dựa vào vốn tín dụng, vốn chủ sở hữu đầu tư là rất thấp nên khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao thì bất động sản đóng băng là đương nhiên.

Về giải pháp, Bộ Xây dựng đã đề nghị với Chính phủ và được chỉ đạo trong Chỉ thị 2196 và được thể hiện trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ tập trung rà soát phân loại những dự án nào đã giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư dự án… để cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản tùy theo từng vị trí, dự án cụ thể để phù hợp khả năng thanh toán của người dân khi chuyển sang nhà ở, nhà ở xã hội, hỗ trợ chính sách về thuế theo qui định. Mặt khác, đề nghị ngân hàng cho vay đối với người mua nhà lần đầu, miễn giảm thuế VAT với người mua nhà lần đầu.

Ngoài ra, Bộ chủ trì phối hợp với các bộ liên quan trong qui hoạch phát triển đô thị, trong đó, có phát triển nhà ở và nhà ở xã hội theo qui hoạch, đúng pháp luật.

Huy Văn

Các tin khác
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty phải thông báo quan điểm của tỉnh tới cán bộ công nhân tránh gây tâm lý lo lắng.

YBĐT - Chiều 12/11, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị.

Ngày 12-11, Quốc hội (QH) bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn - nội dung được cử tri trông đợi nhất tại mỗi kỳ họp.

YBĐT - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thăm và làm việc tại Yên Bái/ Tỉnh ủy Yên Bái gặp mặt các vị đại diện tiêu biểu các dân tộc thiểu số trong 2 năm 2010 - 2011/ Yên Bái phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người năm 2012... và một số thông tin khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa chúc mừng Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11

YBĐT - Ngày 11/11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục