Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường THPT Văn Chấn (1972 - 2012):

Xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/11/2012 | 9:36:02 AM

YBĐT - 40 năm qua, nhà trường đã đón trên 33.000 học sinh đến trường học tập, trong đó trên 10.000 học sinh tốt nghiệp bậc trung học phổ thông. Nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, giữ các cương vị chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Thầy giáo Dương Văn Phúc - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi với các thầy, cô giáo và học sinh về những thành tựu giáo dục của nhà trường 40 năm qua. (Ảnh: Văn Tuấn)
Thầy giáo Dương Văn Phúc - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi với các thầy, cô giáo và học sinh về những thành tựu giáo dục của nhà trường 40 năm qua. (Ảnh: Văn Tuấn)

Ra đời giữa thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai với tính chất, quy mô ác liệt, trường được đặt tại khu sơ tán Khe Nhừ thuộc xã Tân Thịnh, cách trung tâm huyện trên 40km. Năm học đầu tiên, lớp học, bàn ghế, các phương tiện dạy và học đều bắt đầu từ con số không, nhà trường dựa vào ngôi nhà nhỏ của Phân xưởng Nhà máy Giấy Việt Trì sơ tán, thầy trò phải cùng nhau lên rừng chặt cây lấy nứa dựng nhà lớp học, nhà ở.

Năm học đầu tiên 1972 -1973, nhà trường chỉ có 3 lớp gồm hai lớp 8 - nay là lớp 10, một lớp 9 - nay là lớp 11 với 96 học sinh và 6 thầy, cô giáo.

Việc dạy và học tiến hành song song với công việc lao động xây dựng trường lớp, đào hầm trú ẩn, đảm bảo an toàn. Vượt lên bao khó khăn và được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương giúp đỡ, thầy và trò nhà trường đã quyết tâm chung sức, phấn đấu đưa trường đi vào ổn định và phát triển. Năm học 1974 - 1975, trường đã có 5 lớp với 218 học sinh, trong đó có 95 học sinh nữ dân tộc.

Năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trường THPT Văn Chấn được chuyển về địa điểm mới hiện nay tại xã Cát Thịnh - đây là địa điểm tương đối thuận tiện cho học sinh các xã vùng ngoài về học. Thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành”, “Giáo dục đi đôi với lao động sản xuất”, cùng với công tác dạy và học, nhà trường đã chú trọng công tác giáo dục lao động hướng nghiệp: hướng dẫn học sinh làm vườn trồng rau, phát nương đồi trồng sắn, chăm sóc cây chè, nuôi bò, đào ao thả cá… nhằm cải thiện đời sống cho học sinh ở nội trú và giáo dục ý thức lao động cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Thầy giáo Dương Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường THPT Văn Chấn triển khai công việc đầu tuần. (Ảnh: Hà Tĩnh)

Ngoài giờ lên lớp, các thầy giáo, cô giáo tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, sinh hoạt vui chơi lành mạnh... Trong điều kiện thiếu thốn nhưng nhà trường vẫn duy trì ổn định và phát triển về quy mô: từ 5 lớp năm 1975 đã tăng lên 12 lớp năm 1978 với 454 học sinh.

Năm 1978, có sự đầu tư của UBND tỉnh Nghĩa Lộ, nhà trường được xây dựng trường học hai tầng với 14 phòng học gồm hội trường, khu xưởng trường, nhà ở giáo viên, nhà nội trú cho học sinh. Cơ sở vật chất của nhà trường tương đối ổn định và phục vụ tốt cho công tác dạy và học.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã vững vàng, đồng sức đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn. Các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”... trong nhà trường đã tạo nguồn động lực gắn kết đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tâm huyết bám lớp, bám trường.

Giai đoạn 1986 - 2002, vượt lên những khó khăn chung, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, có nhiều cá nhân và tập thể được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi, tập thể lao động xã hội chủ nghĩa; nhiều học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tiêu biểu như các em: Hoàng Thị Hạnh, Nguyễn Thị Mai Loan - môn Văn, Đoàn Thanh Mai, Nguyễn Thị Chung - môn Lịch sử, Nguyễn Thị Chiến - môn Địa lý...

Năm 2004, trước yêu cầu phát triển giáo dục với quy mô ngày càng tăng, được sự đồng ý của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái, nhà trường đã mở thêm một phân hiệu tại xã Nghĩa Tâm - cách khu trung tâm trường 18km, đáp ứng nhu cầu học tập và lòng mong mỏi của con em nhân dân các dân tộc xã Nghĩa Tâm, Minh An, Bình Thuận, Thượng Bằng La. Việc thành lập Phân hiệu Nghĩa Tâm đã đánh dấu quy mô phát triển của nhà trường.

Để học sinh Phân hiệu Nghĩa Tâm có lớp để học, giáo viên có chỗ ở, nhà trường mượn Trường Tiểu học Nghĩa Tâm B cho học sinh học; mượn Trường Mầm non Nghĩa Tâm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở. Từ chỗ có 3 lớp học ban đầu, 151 học sinh thì đến nay, Phân hiệu này đã tăng lên 13 lớp, 498 học sinh và đào tạo được 4.047 lượt học sinh, trong đó có 1.701 học sinh nữ dân tộc.

Năm 2005, Trường THPT Văn Chấn chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lịch sử: 8 học sinh bị lũ cuốn trôi; 5 phòng học cùng toàn bộ bàn ghế, phương tiện dạy học bị phá hủy hoàn toàn; 25 gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường bị thiệt hại lớn về vật chất; 250 em học sinh mất toàn bộ tư trang quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Có sự quan tâm của của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường đã nhanh chóng khắc phục và ổn định cơ sở vật chất, đưa công tác dạy và học trở lại bình thường. Với sự cố gắng vượt bậc, tỷ lệ tốt nghiệp của trường trong năm học đó đạt 99,45%.

Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Trường THPT Văn Chấn đã triển khai tốt và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dạy tốt, học tốt”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ứng dụng công nghệ - thông tin trong giảng dạy và học tập, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh và công tác khuyến học, bồi dưỡng chuyên môn được quan tâm...

Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên: tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 95% đến 98%, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tăng 71% lên 99,22%; tỷ lệ học sinh đỗ đại học và cao đẳng hàng năm đạt từ 25% đến 30%. Trong năm học 2010 - 2011 và 2011 - 2012, nhà trường có 8 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”.

Kết quả đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng sự đóng góp của thế hệ những thầy giáo, cô giáo đã đặt viên gạch đầu tiên, xây nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Tiêu biểu là Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiệp, thầy Hoàng Quang Nhân, thầy Vũ Văn Chương, cô Nguyễn Thị Bình, thầy Hà Ngọc Khoa, thầy Sa Văn Nở, cô Lê Thị Nga…

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ 3 lớp với 96 học sinh ban đầu, đến nay, nhà trường đã có 39 lớp, trên 1.500 học sinh; từ 6 thầy, cô giáo ban đầu, đến nay, nhà trường có 97 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó 6 giáo viên là thạc sĩ và 2 giáo viên đang học cao học.

Cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được xây dựng khang trang với 35 phòng học, phòng thực hành Tin học, phòng máy chiếu; 17 phòng ở cho giáo viên; có nhà đa năng, sân chơi, bãi tập… đáp ứng yêu cầu của công tác dạy và học trong tình hình mới. 40 năm qua, nhà trường đã đón trên 33.000 học sinh được đến trường học tập, trong đó trên 10.000 học sinh tốt nghiệp bậc trung học phổ thông.

Nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, giữ các cương vị chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, tiêu biểu như: bà Hoàng Thị Hạnh - Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Bắc), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; ông Hà Minh Ất - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái; ông Nguyễn Văn Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Yên Bái; bà Hoàng Thị Chanh - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái...

Nhiều học sinh đã trở thành giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp như: ông Ngô Văn Thịnh - Giám đốc Công ty Xây lắp Vinaconex, ông Trần Công Bình - Giám đốc Công ty Lâm sản Yên Bái, ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Trần Phú, ông Bùi Văn Tín - Phó giám đốc Công ty Xây dựng số 2 Yên Bái…

Phát huy truyền thống 40 năm qua, trong thời gian tới, thầy và trò Trường THPT Văn Chấn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, giữ vững tinh thần đoàn kết và nhất trí trong tập thể mà nền tảng là cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới tổ chức quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh Yên Bái và của đất nước trong giai đoạn mới. Trước mắt, nhà trường thực hiện tốt và có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo phát động.

Bên cạnh đó, nhà trường tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, góp phần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, xây dựng nhà trường không ngừng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn.

Trường cấp III Văn Chấn của tỉnh Nghĩa Lộ cũ, nay là Trường THPT Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được thành lập theo Quyết định số 537/QĐ ngày 17/7/1972 của Ủy ban Hành chính tỉnh Nghĩa Lộ.

 

Nhà trường có nhiệm vụ thực hiện giáo dục bậc trung học phổ thông, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho con em nhân dân các dân tộc 8 xã vùng ngoài huyện Văn Chấn, phục vụ sự nghiệp cách mạng của địa phương và đất nước. 

Dương Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường THPT Văn Chấn

Các tin khác
Tổng Bí thư Tập Cận Bình (giữa) cùng 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, trên cương vị mới, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

YBĐT - Đều với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã tiến hành thông qua các dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2013 và Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013 vào phiên họp sáng 15/11. >> Tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tăng lương 100.000 đồng/tháng

YBĐT - Ngày 15/11, đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đã dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư thôn Ban Chang, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên.

Lương tối thiểu sẽ tăng thêm 100.000 đồng/tháng từ 1/7/2013.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên (sau khi trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương) để lấy nguồn tăng lương trong năm 2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục