Ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/4/2013 | 10:27:26 AM

YBĐT - Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường - cơ quan thường trực lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2003 của UBND thị xã Nghĩa Lộ, đến nay, tất cả các xã, phường đã cơ bản hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân.

Tài nguyên đất cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
Tài nguyên đất cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả.

Việc lấy ý kiến nhân dân được các phường, xã triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát nội dung Dự thảo. Các ý kiến đóng góp đều tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Đồng thời vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung được quan tâm như: về cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, giải quyết tranh chấp đất đai; quy định bắt buộc đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý, thời hạn sử dụng đất, định giá đất.

Đồng chí Chu Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ khẳng định, việc đưa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân; nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, các tầng lớp nhân dân đối với việc sửa đổi và thi hành Luật Đất đai; nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ và ý thức, trách nhiệm của tổ chức, công dân trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Đồng chí cho biết thêm, qua nghiên cứu về những điểm đổi mới quan trọng, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có một điểm đổi mới để định hướng cho các tầng lớp nhân dân có ý kiến đúng, chính xác, đặc biệt là tình hình sử dụng đất đai trên địa bàn. Cụ thể như quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Dự thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Thứ hai là mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp. Theo đó, thời hạn giao đất nông nghiệp được kéo dài đến 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay; cho phép các cá nhân, gia đình được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp gấp 10 lần so với hạn mức giao đất, thay vì chỉ là 2 lần theo luật hiện hành.

Phường Pú Trạng là địa phương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất sớm. Đồng chí Bùi Văn Luật - Chủ tịch UBND phường Pú Trạng cho biết: "Nhân dân trong phường rất phấn khởi khi được mời đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bởi điều đó thể hiện Nhà nước tôn trọng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở". Đa số các ý kiến thống nhất quan điểm là sau 10 năm thực thi Luật Đất đai năm 2003 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai.

Dự thảo lần này còn có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong thời gian qua và đã luật hóa nhiều thông tư, văn bản dưới luật. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa bám sát thực tế. Mặc dù Dự thảo có sửa đổi, bổ sung nhưng nhiều đại biểu không yên tâm với quyết định thu hồi đất, đề nghị nên thu hẹp diện đất thu hồi; bỏ điều khoản thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Luật nên qui định về trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai khi thu hồi; phải giải quyết ngay việc bồi thường bởi  thực tiễn, sau rất nhiều năm mới giải quyết bồi hoàn, đồng tiền mất giá, chưa kể đến việc thay đổi qui hoạch kéo dài, không đáp ứng được quyền lợi của nhân dân như mục đích và ý nghĩa của Luật.

Tổ dân phố 8, phường Pú Trạng cho rằng, Điều 50 quy định: "Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này Dự thảo Luật còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ" là không phù hợp với thực tiễn trong thủ tục hành chính. Vì các cấp cơ sở nếu muốn xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, đề nghị cụ thể hóa diện tích giao đất, cho thuê đất lúa bao nhiêu hec-ta thì phải trình lên Chính phủ và thay việc có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ có thể xin ý kiến quyết định của tỉnh. Nhà nước nên mạnh dạn phân quyền quản lý cho tỉnh vì muốn quy hoạch, cấp dưới phải có kế hoạch sử dụng đất và có sự phê duyệt của cấp trên.

Ngoài ra cũng có những vấn đề được nhân dân quan tâm và bày tỏ ý kiến như vấn đề bồi thường, đền bù đất đai, quy định khung giá các loại đất cần áp dụng trong thời gian bao lâu, giá cả tại thời điểm nào để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như lợi ích của Nhà nước; vấn đề thừa kế đất nông nghiệp cần xác định rõ đối tượng, nếu người không sản xuất nông nghiệp thì có được thừa kế không…  

Các xã, phường khác, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở thị xã Nghĩa Lộ cũng đã triển khai lấy ý kiến cho Dự thảo. Các ý kiến góp ý đồng tình là Dự thảo đã thể hiện minh bạch trong quản lý, sử dụng đất. Tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, Dự thảo đã hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho đa mục tiêu.

Đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... và đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương. Theo đó, Dự thảo quy định ghi cả họ tên vợ và chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có chính sách đối với đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội.

Sau hơn một tháng triển khai lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm của nhân dân thị xã Nghĩa Lộ bởi đó là quyền lợi sát sườn của người dân. Tuy nhiên, nhiều người còn cảm thấy thời gian đưa ra lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo là quá ngắn, mong muốn hoãn thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới. Đặc biệt, nhân dân đề nghị, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) nên được thông qua sau khi đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) để đảm bảo tính dự báo và ổn định lâu dài của Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Hảng A Sùng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Suối Bu (Văn Chấn):

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi xin có ý kiến tham gia tại khoản 1, Điều 200, Chương XIII. Khoản 1 qui định: "Người nào lấn, chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục hành chính, các quyết định của Nhà nước trong quản lý đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép hoặc các hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu tránh nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Tôi đề nghị thêm cụm từ "cố tình" và sửa lại là: "Người nào cố tình lấn, chiếm... của pháp luật".     

P.V (thực hiện)

Nhật Thanh - Khánh Linh

Các tin khác

YBĐT - Đại hội Công đoàn tỉnh Yên Bái khoá XVIII, nhiệm kỳ 2013-2018 thành công tốt đẹp/ Một người Yên Bái tử vong vì cúm H1N1/ Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia PV OIL năm 2013 tại Yên Bái/ Trung Quốc phát hiện virus cúm H7N9 ở chim bồ câu/ Thế giới kêu gọi giải quyết căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên… là những tin tức đáng chú ý diễn ra từ ngày 4-7/3.

Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khoá XVIII ra mắt Đại hội.

YBĐT - Sau 3 ngày làm việc (4 - 6/4), với tinh thần đoàn kết, trí tuệ, dân chủ và đổi mới, Đại hội Công đoàn tỉnh Yên Bái khoá XVIII, nhiệm kỳ 2013-2018 đã thành công tốt đẹp.

Đoàn công tác của HĐND tỉnh Yên Bái làm việc với cán bộ lãnh đạo huyện Trấn Yên.

YBĐT - Đoàn công tác của HĐND tỉnh Yên Bái do đồng chí Lê Văn Tạo, Phó chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Trấn Yên.

YBĐT - Sáng 5/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Đại hội Công đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2013-2018 chính thức khai mạc. Tham gia Đại hội có 195/196 đại biểu chính thức đại diện cho gần 40 nghìn đoàn viên công đoàn trong toàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục