Ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Hòa giải ở cơ sở cần rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2013 | 9:41:23 AM

YBĐT - Hiện nay, một yếu tố quan trọng làm cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đạt hiệu quả như mong muốn đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.

Từ khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh được ban hành, Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo Phòng Tư pháp, UBND các xã, phường xây dựng, kiện toàn tổ chức tổ hòa giải đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để hoạt động có hiệu quả.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở tại Nghĩa Lộ những năm qua đã từng bước đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa phát sinh vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

Đến nay, thị xã đã xây dựng được 100 tổ hòa giải cơ sở của 100 tổ dân phố, thôn bản, đạt tỷ lệ 100%, có tổng số 480 tổ viên. Thành phần tổ hòa giải bao gồm tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, người cao tuổi, người có uy tín ở địa phương, trưởng thôn bản, hội viên các đoàn thể cơ sở như hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, mặt trận Tổ quốc. Bằng sự hiểu biết pháp luật, lòng nhiệt tình, sự tận tâm, tận lực của các hòa giải viên, các tổ hòa giải đã hòa giải thành công hàng trăm vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Mỗi năm, các tổ hòa giải tiến hành thụ lý khoảng 20 đến 30 vụ việc, trong đó số vụ việc hòa giải thành chiếm số lượng lớn, đạt trên 75%, chỉ có một số ít là hòa giải không thành và số còn lại chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết. Trong năm 2012, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 17/18 vụ việc, đạt tỷ lệ 94%. Trong số các vụ việc hòa giải, nhiều nhất là các vụ việc về dân sự, chiếm khoảng 50%; còn lại là các lĩnh vực đất đai, hôn nhân - gia đình và các lĩnh vực khác.

Ông Hoàng Quang Bình - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Nghĩa Lộ cho biết, nhiều tổ hòa giải hoạt động hiệu quả; quy trình hòa giải, việc ghi chép sổ sách, lưu trữ, bảo quản hồ sơ thực hiện khá tốt. Có những hòa giải viên có năng lực, uy tín và tâm huyết, làm việc trên cơ sở tự nguyện nhưng tinh thần trách nhiệm rất cao.

Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở của thị xã Nghĩa Lộ vẫn còn những khó khăn nhất định. Công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở một số xã, phường chưa chặt chẽ, chưa thực hiện tốt chế độ thống kê, kiểm tra, báo cáo, theo dõi sự biến động về tổ chức cũng như chất lượng của hoạt động hòa giải cơ sở. Vai trò chủ động, thường trực của cán bộ tư pháp cấp xã trong việc quản lý công tác hòa giải ở cơ sở cũng chưa thể hiện rõ nét.

Tuy số lượng khá đông nhưng đội ngũ làm công tác này lại không có tính ổn định do kiêm nhiệm, dễ có sự thay đổi và biến động. Hoạt động của hòa giải viên với tâm huyết, sự nhiệt tình và trách nhiệm là chính, kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật vẫn hạn chế do ít được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ hoặc do độ tuổi của các hòa giải viên khá cao, khó tiếp thu một cách hiệu quả (hơn 60% hòa giải viên cơ sở có độ tuổi trên 40), trình độ văn hóa thấp...

Theo quy định, chế độ đãi ngộ đối với hòa giải viên chưa thỏa đáng với công sức, trách nhiệm, sự nhiệt tình mà các hòa giải viên đã bỏ ra, không phát huy được tác dụng động viên, khuyến khích. Hiện nay, do ngân sách xã, phường khó khăn nên việc chi bồi dưỡng đối với vụ việc hòa giải, nhất là hòa giải thành chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, đối với các vụ hòa giải không thành, thực tế thường là những vụ phức tạp, đòi hỏi hòa giải viên phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức nhưng chế độ chi bồi dưỡng 50.000 đồng/vụ việc như hiện nay quá thấp. Từ năm 2010, theo Đề án 06 của UBND tỉnh đã trích nguồn kinh phí chi cho công tác hòa giải hàng năm (1 triệu đồng/xã, phường/năm) nhưng nguồn kinh phí này thường được cấp vào cuối năm nên hầu hết thời gian các tổ hòa giải phải hoạt động tự nguyện bằng kinh phí tự lo.

Có những nơi như phường Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, cán bộ hòa giải làm việc nhiệt tình, năng nổ, tỷ lệ hòa giải thành rất cao, giảm tải áp lực công việc đáng kể cho chính quyền địa phương nhưng chưa được khen thưởng xứng đáng đã làm giảm sút tâm huyết, lòng nhiệt tình của họ.
Đặc biệt, hoạt động của đội ngũ cán bộ, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở chưa được nhìn nhận, đãi ngộ đúng với vai trò, nỗ lực của họ.

Chế độ thù lao, bồi dưỡng cho đội ngũ này thì gần như không có gì vì ngoài kinh phí chi cho hoạt động hòa giải theo Đề án 06 của UBND tỉnh, các địa phương gần như không có hỗ trợ thêm. Mặc dù theo quy định của Thông tư số 63/TT-BTC, có một phần quy định về chế độ thù lao cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở khi tiến hành hòa giải tại cơ sở nhưng cho đến thời điểm này, số tiền thù lao quá ít ỏi và mới chỉ dừng lại ở việc trang bị bút mực, sổ ghi chép, thậm chí có nơi hòa giải viên phải bỏ tiền cá nhân mua sổ, bút, tài liệu để tự trau dồi nghiệp vụ.

Các hòa giải viên vốn thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên hòa giải chỉ là việc "phụ", thường xuyên phải làm việc vào ngày nghỉ hoặc buổi tối... nhưng lại chỉ được hưởng một khoản phụ cấp không đáng kể. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hòa giải còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy các hòa giải viên chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm sống, uy tín của bản thân trong cộng đồng dân cư.

Điều đó không tránh khỏi thực tế chỉ “dùng tình nghĩa để khuyên giải” chứ khó áp dụng pháp luật vào giải quyết mâu thuẫn. Nhiều khi, công tác hòa giải ở cơ sở trở thành một hoạt động mang tính hình thức, thành lập tổ hòa giải cho có, hiệu lực biên bản hòa giải không được tôn trọng, ít người muốn làm hòa giải viên vì họ thấy nhiệt tình trong công việc nhiều khi cũng bị hiểu lầm.

Tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có rất nhiều tổ trưởng dân phố, cán bộ hòa giải thị xã Nghĩa Lộ đều thống nhất ý kiến là hiện nay, một yếu tố quan trọng làm cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đạt hiệu quả như mong muốn đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.

Một số quy định trong Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, chưa nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể cũng như vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Điều 127, Hiến pháp 1992 quy định: "Ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật".

Trên cơ sở quy định này của Hiến pháp, ngày 25/12/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; ngày 18/10/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Đây là những văn bản pháp lý thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở, khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của công tác này trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, cần sửa đổi và đề nghị bỏ quy định “Ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật” vì đây không phải là thiết chế tư pháp mà là thiết chế hành chính, xã hội phải được quy định ở chương về hành chính (nếu cần thiết ở mức độ hiến định); hòa giải tư pháp sẽ được quy định trong các luật tố tụng, hòa giải cơ sở sẽ được quy định bằng luật riêng.

Do đó, việc xây dựng Luật Hòa giải cơ sở thay cho Pháp lệnh là cần thiết, khách quan. Nếu được ban hành, Luật Hòa giải cơ sở sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và thống nhất điều chỉnh việc tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và các tổ chức hòa giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và mọi công dân đối với công tác hòa giải ở cơ sở; từng bước kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; tăng cường tình đoàn kết tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện để nhân dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phát huy dân chủ ở cơ sở.

Hòa giải ở cơ sở cần được khuyến khích và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội theo hướng xã hội hóa công tác hòa giải; tranh thủ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân đối với công tác này; góp phần hình thành ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật, từng bước xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân.

Nguyễn Nhật Thanh

Các tin khác

Lê-nin là người đầu tiên biến lý luận chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thành hiện thực sinh động; biến chủ nghĩa cộng sản thành một thực thể sống mà các thế lực tư bản, đế quốc phải đối mặt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam và đưa ra những nhận xét không khách quan.

YBĐT - Hội nghị công bố các Quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ huyện Yên Bình; Thêm một bệnh nhân tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1; tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi; “Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng” chính thức được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Xăng giảm 410 đồng/lít; Bắt sống nghi phạm đánh bom Boston, Mỹ… là những tin tức đáng chú ý đã diễn ra từ ngày 18 – 21/4. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định cho các đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động và bổ nhiệm nhận nhiệm vụ mới.

YBĐT - Ngày 18/4, Huyện ủy Yên Bình tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục