Nghìn ngày đòn roi không khất phục
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 10:54:19 AM
YBĐT - Đường về Hồng Bàng - Đại Đồng không còn gian nan như trước, từ quốc lộ 70 đường mới san đỏ ối men theo những tán rừng xanh mượt, qua những nếp nhà mới xây đến cuối thôn là nhà của thương binh Lương Viết Huấn, một ngôi nhà gỗ mộc mạc đến đơn sơ giữa một khu vườn rộng.
Người cựu tù Phú Quốc Lương Viết Huấn (thứ 2 phải sang) cùng đồng đội trong một lần thăm lại chiến trường xưa.
|
Cả nước đang tưng bừng hướng tới kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Không có dịp đi đến những trận địa oanh liệt, những di tích lịch sử oai hùng và bi tráng, tôi cũng có cách chào mừng ngày tết Độc lập theo cách của riêng mình, đó là tìm đến một người tù Phú Quốc, một chiến sỹ cách mạng kiên cường để nghe ông kể những chuyện về những ngày bị tù đày mà bất cứ chuyện nào cũng là một huyền thoại.
Đường về Hồng Bàng - Đại Đồng không còn gian nan như trước, từ quốc lộ 70 đường mới san đỏ ối men theo những tán rừng xanh mượt, qua những nếp nhà mới xây đến cuối thôn là nhà của thương binh Lương Viết Huấn, một ngôi nhà gỗ mộc mạc đến đơn sơ giữa một khu vườn rộng.
Bác Huấn vừa đi điều trị căn bệnh tiểu đường ở Viện Nội tiết Trung ương trở về nên sức yếu lắm, mắt đã mù hoàn toàn, đôi tay đã liệt nhẹ nên không hỗ trợ cái chân còn lại nâng cơ thể vì thế mà từ lâu vị trí của ông đã cố định trên chiếc giường cũ, riêng khả năng chuyện trò thì vẫn sôi nổi như ngày mới từ chiến trường trở về.
“Đấy, ảnh tôi cùng các bạn đi thăm chiến trường xưa, thăm lại nhà ngục Phú Quốc đấy! Đầu hồi là ban thờ người em trai tôi, nhập ngũ năm Mậu Thân rồi hy sinh ngay trước ngày giải phóng, thế mới tiếc, đánh nhau sắp xong rồi mà hy sinh, không được về quê”. Nhìn lên bốn bức vách không một tấm huân chương, chẳng hề một tấm bằng khen của bản thân, chỉ vô số các bức ảnh ông Huấn chụp cùng các bạn chiến đấu, riêng tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và di ảnh người em liệt sỹ Lương Viết Bảo được treo trang trọng dù thời gian đã làm chúng xuống màu.
Biết tôi muốn được nghe chuyện chiến trường, chuyện lao ngục, tù đày, ông Huấn thủng thẳng: “Năm 1966 vừa tròn 18 tuổi thì tôi nhập ngũ. Xã Đông Lý huyện Yên Bình hay nói xa hơn là làng quê miền Bắc mình đâu chẳng thế, thanh niên đủ tuổi là lên đường chống Mỹ cứu nước. Tôi qua kỳ huấn luyện ở Đại Từ, Thái Nguyên là biên chế vào Lữ đoàn 250 đặc công.
Hồi ấy sức vóc cường tráng lắm, bộ đội đặc công rèn luyện, dũng cảm, mưu trí chắc không binh chủng nào bằng, di chuyển vào Nam, đơn vị tôi tham gia nhiều trận đánh ở Quảng Ngãi, Bình Định, đến đợt Tổng tiến công tết Mậu Thân thì tôi chiến đấu trực tiếp ở Sài Gòn. Trận ấy tôi bị thương, phải điều trị ở trạm quân y tiền phương rồi tôi không may rơi vào tay địch, bắt đầu đầu một giai đoạn tù đày mà sử sách đã ghi lại “Như địa ngục trần gian”.
Từ Quy Nhơn, Biên Hòa đến Phú Quốc, những đòn tra tấn tàn bạo nhất bằng điện, lưỡi lê, dùi cui, báng súng… tôi đều đã nếm hết; khả năng chịu đòn, tính ngang bướng của lính đặc công Việt cộng chúng đã biết nên bọn cai ngục có phần mạnh tay với anh em chúng tôi, mưu đồ của chúng là làm cho anh em ta, nhất là những người sức vóc yếu chứng kiến cảnh đó mà sợ hãi, nhụt ý chí rồi phản bội. Trước đòn thù, chúng tôi vẫn thể hiện được ý chí kiên cường, lòng gang dạ thép của bộ đội Cụ Hồ, của chiến sỹ cách mạng, không một ai khuất phục trước những đòn tra tấn dã man nhất để rồi chính những tên cai ngục hung bạo cũng phải chùn tay.
Trên cơ thể tôi những vết thương nhỏ cỡ như lưỡi lê đâm rách mạng sườn, báng súng làm rạn hộp sọ… có lẽ nhiều không kể hết! Riêng cái chân phải này chúng dùng cưa tay cắt ba lần, lần một cắt ngang ống đồng, lần hai chỗ khớp gối, rồi lần cuối cắt cụt đến cổ đùi, cắt thẳng luôn chẳng có giảm đau, gây mê hay garo phía trên gì cả.
Mà ở đời đến lạ, ngày bé nghịch dao, nghịch cưa đứt tí da là đau đớn kêu khóc oai oái, thế mà bị mấy thằng ác ôn trói lại dùng cưa cắt ống chân, tiếng cắt cứ xoèn xoẹt, máu cứ phun ra lênh láng mà tôi vẫn cắn răng chịu đựng được, đau quá thì ngất đi, khi tỉnh lại thấy mình còn sống lại quên hết, lại nuôi hy vọng tới ngày trở về. Dã man nhất là một thằng ác ôn đã móc mắt phải của tôi khiến tôi mù lòa suốt phần đời còn lại. Kẻ địch thâm độc, tàn bạo đến tột cùng nhưng không thể khuất phục được ý chí của người lính cách mạng”.
Trước khí thế cách mạng tuôn trào, cục diện chiến trường đã thay đổi, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris. Ông Lương Viết Huấn cùng những đồng chí của mình tại nhà tù Phú Quốc được trở về miền Bắc theo điều khoản trao trả tù binh. Ngày 15/2/1973 ông được trả tự do, vượt sông Thạch Hãn (Quảng Bình) để về với quê hương chắc chắn là ngày ông và các đồng chí của mình còn nhớ mãi bởi ngày đó đã chấm dứt hơn một nghìn ngày tù ngục với những tên ác quỷ.
Đang kể chuyện chiến đấu, nhắc chuyện tù đày với chất giọng oang oang mạnh mẽ, bỗng ông Huấn lặng đi khi nói rằng mình đau đớn, mình thương tật đến 91% sức khỏe nhưng mình vẫn là người nhiều may mắn; mình vẫn có vợ, vẫn có những đứa con trưởng thành. Còn khối bạn chiến đấu đã mãi mãi không trở về quê hương, đất mẹ, rất nhiều bạn tù Phú Quốc còn nằm dưới biển sâu hoặc chết vùi trong cát.
Đàn ve bên hàng phượng vỹ bỗng kêu râm ran như muốn khóc thương hương hồn liệt sỹ đã dũng cảm chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trường Đại Đồng đã tan buổi học sáng, lũ trẻ tung tăng về nhà, trên vai đỏ thắm những tấm khăn quàng, lớp trẻ hôm nay và mai sau sẽ còn ghi nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, từ đó trân trọng hơn nền độc lập, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này. Với thương binh hạng 1/4 Lương Viết Huấn, chúng tôi xin được nói lời cảm ơn và kính phục trước sự hy sinh, sức chịu đựng và lòng kiên trung của ông.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Đọc những dòng chữ viết vội trong cuốn nhật ký hành quân của nhà văn Hà Lâm Kỳ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, từng là lính của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn phiên hiệu đi B - 1972, tôi hiểu thêm phần nào về sự khốc liệt của chiến tranh; càng thêm tự hào về một thời hoa lửa hào hùng, lãng mạn nhưng đầy gian khổ, hy sinh của lớp cha anh đi trước.
YBĐT - Lấy kinh nghiệm từ công tác triển khai nhiệm vụ hàng tuần, hàng tháng của Công an huyện, UBND huyện Lục Yên (Yên Bái) đã áp dụng hình thức triển khai nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn bằng phiếu giao việc
YBĐT - Từ tháng 2/1968 đến tháng 6/1968, tỉnh liên tiếp thành lập các tiểu đoàn Yên Ninh II, III, IV để kịp thời chi viện cho chiến trường tại Long An, Thừa Thiên - Huế và miền Đông.
Vàng trong nước đắt hơn thế giới hàng triệu đồng, xăng tăng nhanh giảm chậm, hàng chục nghìn tỷ đồng bơm cho bất động sản... là những mối lo cử tri TP HCM chia sẻ với Chủ tịch Trương Tấn Sang chiều 25/4.