Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014
- Cập nhật: Thứ tư, 5/6/2013 | 3:02:16 PM
YBĐT - Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. Xem xét một số dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí/Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Việc làm (ảnh).
|
Theo nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng các dự án luật và xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua.
Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 phải quán triệt một số định hướng cơ bản: Ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2014 các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; Ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2014 các dự án liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp; các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đa số các đại biểu cũng đã nêu ý kiến: Chỉ đưa vào Chương trình năm 2014 những dự án được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2014 phải tính đến quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự án. Không nên năm nào cũng điều chỉnh luật, pháp lệnh. Vì vậy, kiên quyết không đưa ra Quốc hội những dự án luật không cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá trách nhiệm cơ quan trong việc thực hiện dự án luật, xem xét cụ thể xem có bao nhiêu dự án luật được chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng và kỹ lưỡng.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan trong việc để cho nhiều luật đã được Quốc hội thông qua nhưng chậm trễ áp dụng vào cuộc sống. Trong số 13 luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành thì có đến 8 luật chưa được thực hiện. Nguyên nhân là vì nhiều cơ quan lúng túng trong điều hành thực hiện luật. Vì vậy, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần có quy định rõ, các cơ quan phải có trách nhiệm trong việc thực hiện luật. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành rõ hướng dẫn thực thi các luật đã được thông qua trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong phiên họp tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Sau 7 năm thực thi, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điểm nổi bật trong Dự thảo là việc bổ sung các biện pháp thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản, vốn, tài nguyên, các cơ chế phát hiện lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, nhất là tăng cường tính công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước. Dự thảo Luật cũng làm rõ hơn quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tuỳ theo mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp và liên đới.
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và các đại biểu Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra dự án Luật này do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Việc làm. Đồng thời, các đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, cán bộ, nhân viên cơ quan BHXH thành phố Yên Bái luôn coi việc thực hiện Nghị quyết số 21 vừa là nhiệm vụ quan trọng vừa là cơ hội để mình và đơn vị mình hoàn thành nhiệm vụ được giao.
YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 4/6, UBND tỉnh họp bàn về công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo nội dung Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” của Chính phủ. Đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Ngày 4/6, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2013. Đồng chí Phạm Duy Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị (ảnh).
YBĐT - Ngày 4/6, theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành thời gian tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.