Lao Chải ngăn chặn lửa rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/11/2013 | 2:43:57 PM

YBĐT - Lao Chải là xã luôn có nguy cơ cháy rừng cao ở huyện Mù Cang Chải do có diện tích rừng lớn. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong mùa khô hanh vừa qua trên địa bàn xã vẫn để xảy ra 3 vụ cháy rừng làm thiệt hại 17ha rừng sản xuất, nguyên nhân là do người dân đốt nương, làm rẫy cháy lan vào rừng.

Cán bộ kiểm lâm Mù Cang Chải tuần tra, bảo vệ rừng tại xã Púng Luông. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Cán bộ kiểm lâm Mù Cang Chải tuần tra, bảo vệ rừng tại xã Púng Luông. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Xã  Lao Chải có tổng diện tích rừng lớn với trên 7.332ha, trong đó trên 4.470ha rừng phòng hộ và trên 2.237,5ha rừng trồng. Diện tích rừng rộng lớn, giáp ranh với địa bàn nhiều xã, trong khi đó ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) còn rất hạn chế.

Đặc biệt do áp lực về lương thực, một phần vì phong tục, tập quán du canh du cư, canh tác nương rẫy nên đôi khi chỉ là vô tình hoặc không có kỹ thuật đốt nương mà chỉ một mồi lửa đã thiêu cháy cả chục, có khi cả trăm ha rừng. Mùa khô hanh năm nào cũng vậy, ở đây luôn xảy ra cháy rừng và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Một trong những nguyên nhân chính gây cháy rừng là người dân đốt nương, làm rẫy gây cháy lan vào rừng.

Mặc dù những năm gần đây, huyện và xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt nương, làm rẫy, quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy nhưng do nhu cầu sản xuất của người dân lớn nên tình trạng nương rẫy nằm xen kẽ với rừng diễn ra ở tất cả các thôn bản trong xã. Theo Ban chỉ huy PCCCR xã Lao Chải thì chỉ tính riêng vụ khô hanh 2012-2013, trên địa bàn xã đã xảy ra 5 vụ canh tác xâm lấn vào rừng, làm thiệt hại hơn 1ha rừng; 3 vụ cháy rừng làm thiệt hại trên 17ha rừng trồng.

Trước thực trạng trên, ngay từ đầu tháng 10 năm nay, xã đã lên kế hoạch PCCCR từ rất sớm. Cụ thể, xã đã kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR gồm 30 thành viên; có kế hoạch phân công các thành viên xuống thôn bản cùng cơ sở chỉ đạo công tác PCCCR, nhất là các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Ở  mỗi thôn, bản đều có tổ, đội PCCCR với số lượng từ 5 đến 10 người; phối hợp với lực lượng kiểm lâm xây dựng các phương án PCCCR đảm bảo sát và hợp với tình hình thực tế.

Coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, bản hàng tháng, hàng quý; ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR cho trên 1.500 hộ dân, đồng thời phát đến tận các  bản áp phích, tờ rơi tuyên truyền về lợi ích của rừng và trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ và phát triển vốn rừng. Trong những ngày nắng nóng, hệ thống truyền thanh xã cũng đã phát sóng nhiều chương trình cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

Mặc dù phương án PCCCR được triển khai sớm, song để kiểm soát được lửa rừng, xã cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Trước nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra từ hoạt động sản xuất nương rẫy, xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn thống kê kiểm soát chặt chẽ diện tích nương rẫy hiện có, phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn người dân kỹ thuật đốt nương theo đúng quy định và giám sát đôn đốc kiểm tra các chủ rừng, các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện các phương án PCCCR.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn việc phát lấn vào rừng để sản xuất nương rẫy trái phép, những ngày nắng nóng khô hanh vận động bà con ra khỏi khu vực làm nương rẫy. Đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần quy hoạch ổn định vùng nương rẫy, hiện tại rừng và nương rẫy đan xen nếu không quản lý tốt sẽ cháy lan vào rừng bất cứ lúc nào.

Cùng với việc vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

Một trong những biện pháp giảm áp lực vào rừng là tăng cường công tác khuyến nông, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thủy lợi, khai hoang ruộng nước nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, nhằm ngăn chặn việc phá rừng làm nương rẫy.

 Văn Thông

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Suối Giàng được sản xuất đúng quy trình cho chất lượng cao.

Phát huy lợi thế địa phương, một hợp tác xã đến 90% thành viên là người dân tộc Mông đã biết khai thác, chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm Shan tuyết chè cổ thụ vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái. Đó là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục