Tăng cường phòng, chống nguy cơ về dịch cúm gia cầm
- Cập nhật: Thứ hai, 23/12/2013 | 8:10:16 AM
Để ngăn ngừa dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9, H10N8 phát sinh và lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm Cao Đức Phát vừa có Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8.
Viện Chăn nuôi chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm.
|
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mặc dù dịch cúm A/H7N9 và H10N8 chưa xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, thành phố Hà Nội, Hải Phòng,...
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tập trung triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.
Đối với các địa phương biên giới, lực lượng chức năng cần tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1, H7N9 và H10N8 đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch; không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Bên cạnh đó, các đơn vị cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, phù hợp với các chủng vi rút cúm gia cầm đang lưu hành tại các địa phương theo hướng dẫn tại Công văn số 1816/TY-DT ngày 21/10/2013 của Cục Thú y.
Mặt khác, các Bộ, ngành khác thành viên trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cần phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương, tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người dân về tác hại của bệnh cúm gia cầm; không ăn tiết canh, gia cầm mắc bệnh, chết; khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở để báo cáo cấp trên, đồng thời áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch kịp thời.
Bộ trưởng yêu cầu, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng phòng dịch cúm gia cầm, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan sang người; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.
Theo đó, trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thông báo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Trước tình trạng diễn biến thời tiết đang phức tạp: Băng giá, sương muối, tuyết, rét đậm, rét hại… được dự báo còn có thể tiếp tục trong thời gian tới, Bộ NNPTNT đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh miền núi phía Bắc để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế nhập khẩu rất nhiều loại ôtô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%.
Sau thông tin giá xăng dầu tăng gần 600 đồng/lít vào ngày 18/12 vừa qua, các đơn vị quản lý, doanh nghiệp vận tải đang cân nhắc tính toán điều chỉnh giá cước.
Chiều mua vào của các công ty và ngân hàng đồng loạt giảm về mức 34,9 triệu đồng/lượng, bán ra 35,1 triệu đồng/lượng.