Lâm Giang tạo hướng phát triển kinh tế hợp lý
- Cập nhật: Thứ ba, 21/1/2014 | 3:00:11 PM
YBĐT - Với hướng phát triển kinh tế đúng đắn cùng sự chỉ đạo sát sao, năng động của đội ngũ lãnh đạo xã, năm 2013, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái) tiếp tục hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, tạo đà cho xã tiến lên xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Kinh tế nông, lâm nghiệp là thế mạnh của xã Lâm Giang.
|
Điều kiện tự nhiên của xã Lâm Giang tuy diện tích rộng nhưng đặc thù chủ yếu là đồi núi. Do vậy, Đảng bộ xã Lâm Giang xác định, trồng cây lâm nghiệp, nông nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là trọng tâm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Đào Văn Bộ - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Căn cứ vào đất đai, lao động, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên của mỗi thôn bản, xã phân chia thành vùng kinh tế chủ lực. Đối với các thôn vùng ngoài có nhiều ruộng, đất màu tập trung trồng lúa, cây màu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc tập trung trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc.
Ngoài ra, xã vận động nhân dân phát triển thương mại - dịch vụ từ trung tâm xã đến các thôn bản. Đối với 300ha cây lúa cả năm đưa các giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao vào gieo cấy, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất và tận dụng đất màu trồng cây ngô phục vụ cho chăn nuôi, trồng cây sắn cho chế biến công nghiệp. Năng suất lúa đã tăng lên 105 tạ/ha, diện tích cây màu, cây công nghiệp ổn định với 305ha ngô, 800ha sắn -ông Bộ bổ sung thêm.
Xã đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp, vận động nhân dân tích cực trồng rừng theo các dự án, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đồng thời tập trung tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp cho nhân dân. Trung bình mỗi năm, xã đã trồng mới trên 100ha rừng với giống cây trồng chính như keo lai, bồ đề, mỡ và phối hợp tổ chức từ 1 - 2 lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, bảo vệ các diện tích rừng trồng cho nhân dân; tham gia đầy đủ các chương trình, cuộc diễn tập về phòng chống cháy rừng do huyện triển khai tại địa phương hoặc các xã trên địa bàn.
Lâm Giang cũng chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của đội ngũ già làng, trưởng bản và các hội, đoàn thể trong phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ tới từng hộ dân. Trong năm qua, địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở 2 lớp dạy nghề cho 60 lao động, nâng tổng số lao động được đào tạo lên 1.100 người; tổ chức các buổi hội thảo, trình diễn các mô hình khuyến nông, khuyến lâm…
Qua đó giúp các hộ nông dân nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã biết áp dụng các loại cây, con giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.
Ngoài ra, một số ngành nghề được xã Lâm Giang khuyến khích đưa vào phát triển như: chế biến gỗ, kinh doanh dịch vụ xay xát, may mặc, vận tải, dịch vụ máy nông nghiệp... đã bước đầu phát triển và đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt là ngành nghề sơ chế, bóc tách gỗ có 3 cơ sở trên địa bàn. Các cơ sở này đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho trung bình 33 lao động địa phương với mức thu nhập 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng đồng thời giải quyết đầu ra cho sản xuất cây lâm nghiệp trong và ngoài xã.
Để khuyến khích nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, những năm qua, xã Lâm Giang đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng tín chấp vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ hàng năm đạt gần 31 tỷ đồng; 100% số hộ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt là sự phát triển mạnh, hoạt động ổn định của Quỹ Tín dụng nhân dân xã Lâm Giang, số dư nợ đến nay đã đạt 20 tỷ đồng với 997 thành viên tham gia.
Thông qua các nguồn vốn đã góp phần giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng một số nhu cầu khác của nhân dân, đặc biệt là đối với hộ nghèo. Cùng với các chính sách về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, những năm gần đây, nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo nguồn vốn từ các chương trình, dự án, bộ mặt nông thôn xã đã có sự đổi thay rõ rệt.
Nhiều công trình thiết yếu như: trường học, điện lưới, nhà văn hóa bản, đường giao thông nông thôn… được cải tạo, nâng cấp, xây mới, góp phần phục vụ các nhu cầu thiết yếu của nhân dân địa phương. Đến nay, nhiều tuyến đường giao thông trong xã đã được đổ bê tông, trải cấp phối, giúp cho bà con trong vùng đi lại, giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng, thuận tiện; hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi... được xây dựng đã chủ động được nước tưới cho phần lớn diện tích canh tác lúa và rau màu.
Với những kết quả đã đạt được, những năm tới, Lâm Giang tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, trong đó vẫn tập trung vào kinh tế lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Hướng đi ấy không ngoài mục đích xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn vùng cao, khẳng định tính đúng đắn và hướng đi hợp lý của Đảng bộ và nhân dân xã Lâm Giang.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Các loại dịch cúm vẫn còn ở bên kia biên giới nhưng tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch, không chủ quan để tự bảo vệ mình và bảo vệ đàn gia cầm, phát triển chăn nuôi bền vững với phương châm “phòng dịch hơn chống dịch”.
Đây là 1 trong 2 hồ nước được xây dựng trên độ cao hơn 2.000 mét so với mặt nước biển, trên đỉnh núi Hoàng Liên thuộc địa bàn huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Phục vụ nhu cầu rút tiền mặt qua ATM tăng cao trong dịp Tết, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng cường thêm máy ATM, lập đội tiếp quỹ 24/24 để đảm bảo không hết tiền.
Mặc dù giá vàng thế giới tăng nhưng giá kim loại quý trong nước lại đi xuống, do đó chênh lệch giá giữa hai thị trường được co về mức 3,2 triệu đồng/lượng.