Tú Lệ kiên quyết không để gia súc đói, rét

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/1/2014 | 3:03:56 PM

YBĐT - Theo báo cáo của UBND xã Tú Lệ (Văn Chấn), vụ đông năm 2011 có 258 con trâu, bò bị chết đói, chết rét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.

Người dân đã có ý thức trong việc nuôi nhốt và dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong vụ đông.
Người dân đã có ý thức trong việc nuôi nhốt và dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong vụ đông.

Vụ đông năm 2012 và cả năm 2013, xã Tú Lệ đã xây dựng phương án cụ thể, phân công cán bộ phụ trách thôn, bản kết hợp với khuyến nông viên cơ sở chỉ đạo, đôn đốc nhân dân dự trữ rơm rạ, cỏ khô, làm chuồng trại, hạn chế thấp nhất thiệt hại do giá rét gây ra đối với đàn gia súc. Bởi vậy, từ đầu vụ rét đến giờ, địa phương chưa có thiệt hại nào về trâu, bò.

Diện tích lúa nước ít, chủ yếu làm 2 vụ, còn vụ ba hầu như bỏ không bởi thời vụ ngắn và mùa đông ở xã vùng cao Tú Lệ khắc nghiệt. Lượng mưa ít, rét nhiều nên mặc dù năm nào xã cũng vận động nhân dân trồng cỏ voi để phát triển chăn nuôi song đến mùa đông, diện tích cỏ đều không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi số gia súc tương đối lớn với 792 con trâu và 521 con bò. Chủ động thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông, vụ ngô xuân hè năm 2013, xã đã vận động nhân dân trồng được hơn 60ha ngô đồi, soi bãi. Ngô cũng vừa mới thu hoạch xong trong tháng 12, nhờ vậy có thêm nguồn thức ăn đáng kể dự trữ cho trâu, bò trong vụ đông.

Bên cạnh đó, Tú Lệ cũng kiên quyết chỉ đạo nhân dân sau khi thu hoạch lúa mùa không được đốt rơm rạ, phải tận dụng đem về đánh đống, dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò. Nâng cao ý thức chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc, bước vào vụ đông năm 2013, chính quyền xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các hội, đoàn thể, trưởng thôn hướng dẫn, vận động bà con làm chuồng trại, che chắn, dự trữ thức ăn cho gia súc, cho ăn bổ sung tinh bột, uống nước muối, không chăn thả những ngày nhiệt độ xuống thấp; tận dụng các loại cỏ, lá ngô, chuối rừng bổ sung nguồn thức ăn dự trữ.

Căn cứ Công điện của UBND tỉnh Yên Bái, xã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với nhân dân chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống rét cho đàn gia súc như: làm chuồng trại, không thả rông trâu, bò trong mùa đông, dự trữ thức ăn, nước uống... đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ khuyến nông, thú y của các thôn, xã theo dõi tình hình dịch bệnh, tiêm vắc-xin phòng bệnh và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc phòng, chống đói, rét cho gia súc.

Trong đó hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo quy định; cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động.

Bên cạnh đó, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn khô, rơm rạ, cỏ khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu. Mỗi hộ chăn nuôi trâu phải có chuồng và một cây rơm rạ, bảo đảm bình quân 5 - 7kg rơm/con/ngày trong những ngày giá rét, che chắn chuồng trại, mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Những thôn có gió mạnh cần che chắn chuồng trại kín đáo, dọn vệ sinh hàng ngày; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị nguồn thức ăn có sẵn kết hợp bổ sung thức ăn tinh, giàu đạm nâng cao sức đề kháng, khả năng phòng chống rét của trâu, bò; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe vật nuôi hàng ngày. Nếu phát hiện gia súc có dấu hiệu bệnh, người chăn nuôi phải báo ngay cho thú y cơ sở; kiểm tra, lập biên bản đối với những hộ không thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của các cấp về công tác phòng, chống rét cho vật nuôi.

Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho mỗi hộ dân 1 triệu đồng làm chuồng trại, 300.000 đồng cho một cây rơm, Tú Lệ cũng vận động nhân dân, nhất là những thôn, bản khó khăn khẩn trương làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc trong mùa đông. Vụ đông này, xã đã vận động nhân dân làm được hơn 100 cây rơm, hơn 100 hộ làm thêm được chuồng trại.

Ông Hoàng Văn Sươi ở thôn Búng Sổm cho biết, gia đình có 10 con trâu, ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp còn làm hàng hóa. Trước đây, ông cứ nghĩ, ở dưới thấp không cần che chắn, nuôi nhốt nên vụ rét đậm rét hại năm 2011 đã làm tất cả 6 con trâu bị ngã quỵ trên nương, vừa thiệt hại về kinh tế lại không có sức cày kéo phục vụ sản xuất. Phải mất hơn hai năm sau, gia đình mới có tiền mua được con trâu giống gây lại. Năm nay, khi bắt đầu vào vụ đông, ông đã chủ động làm chuồng trại, tận dụng lá ngô sau thu hoạch và rơm rạ để dự trữ thức ăn, nuôi nhốt trong những ngày nhiệt độ xuống thấp nên 10 con trâu vẫn khỏe mạnh.

Gia đình ông Hoàng Văn Ô, thôn Phạ Trên có 4 con trâu. Những năm trước, ông thường thả rông trâu trên nương, đến khi mùa vụ mới lên tìm về. Có năm tìm về thêm được một, hai con nghé nhưng có năm lại mất một nửa bởi chúng chết đói, chết rét và ngã vực. Năm nay, được Nhà nước hỗ trợ tiền làm chuồng trại và cây rơm, ông đã xung phong đi đầu đồng thời nhờ cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách cho ăn, cách phòng chống các loại dịch bệnh trong mùa đông.

Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự chủ động của các hộ dân, Tú Lệ kiên quyết duy trì và phát triển ổn định, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra cho đàn gia súc.

 Lê Thanh

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu và nhập khẩu của NHNN Việt Nam kể từ 15/3/2014.

Đối với ô tô tuỳ theo số ghế hoặc trọng tải của xe, nhưng cũng không quá 20.000 đồng/lượt; riêng đối với đô thị loại đặc biệt, mức thu phí đối với ô tô có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng không quá 40.000 đồng/lượt.

Công nhân công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam khai thác tại bãi đá.

YBĐT - Vượt qua nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái trong năm 2013 có nhiều khởi sắc, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu 40 triệu USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục