Không chủ quan với cúm gia cầm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/1/2014 | 8:56:36 AM

YBĐT - Thời điểm này, khi mà tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc thị trường buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm H5N1 và dịch cúm A (H7N9) đang có những diễn biến phức tạp nên người dân cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan, lơ là.

Việc chủ quan trong giết mổ gia cầm không có sự kiểm soát sẽ là nguyên nhân dẫn đến dịch cúm có nguy cơ bùng phát.
Việc chủ quan trong giết mổ gia cầm không có sự kiểm soát sẽ là nguyên nhân dẫn đến dịch cúm có nguy cơ bùng phát.

Gia cầm bày bán tràn lan

Những ngày này, việc buôn bán, giết mổ gia cầm (chủ yếu là gà) đang rất sôi động, số lượng gà bán ra thị trường tăng nhanh. Vào buổi sáng sớm từ 5 giờ 30 phút đến 7 giờ tại khu vực các chợ: Bách Lẫm, Đồng Tâm (Km4), ngã ba cổng Nhà máy Sứ, chợ Hồng Hà, Yên Thịnh, Nam Cường…, gia cầm bày bán la liệt. Không kể lực lượng buôn bán gia cầm thường xuyên, việc người dân nuôi được gà đem vài con đi bán lấy tiền sắm sanh dịp tết cũng khá phổ biến.

Tình trạng này không chỉ tại các chợ mà kể cả nhà mặt phố người dân nhốt 5 - 7 con gà trong một cái lồng sắt hoặc bu gà với biển hiệu gà “quê”, gà “sạch” và nhận mổ thuê ngay trên vỉa hè. Điều đáng lo ngại là các loại gia cầm được kinh doanh ở các chợ và bán rong thường được vận chuyển từ nơi khác về và hầu như chưa qua kiểm dịch.

Chị Nguyễn Thị Hương, bán gà tại chợ Bách Lẫm (phường Yên Ninh) hồn nhiên: “Mấy ngày gần đây, lượng gà tôi bán gấp đôi trước. Gà này chủ yếu mua từ Bảo Ái, Tân Hương (Yên Bình)…, chọn từng con. Tôi vào dân mua về rồi đến đây bán thôi, có ai kiểm dịch đâu, mà gà dân mình nuôi nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo thì sợ gì”.

Càng cận Tết việc mua bán thứ thực phẩm tươi sồng này càng sôi động, người bán thì khẳng định gà có nguồn gốc, đảm bảo an toàn còn người mua thì chọn theo kiểu tù mù may thì được con ngon chứ cũng không biết gà nào an toàn. Phần lớn những người bán rong trên các tuyến đường hay ven chợ đều kinh doanh nhỏ lẻ, không thường xuyên nên cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát nguồn gốc.

Người tiêu dùng chủ quan

Theo thông tin, dịch cúm A (H7N9) đang bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh của Trung Quốc và tiến sát biên giới Việt Nam, nguy cơ xâm nhập rất lớn. Tại tỉnh Quảng Đông (gần với Việt Nam) nơi có lượng người qua lại Việt Nam rất lớn, đã có 6 trường hợp mắc cúm A (H7N9).

Ngoài ra, tại đây số học sinh, sinh viên, người lao động Việt Nam về nước ăn tết cũng rất đông mà lực lượng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh về theo. Trong khi đó, tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 trong nước diễn biến khá phức tạp.

Tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ngày 20/1 vừa qua đã có một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A (H5N1). Điều này khiến cho cơ quan chức năng lo ngại dịch có thể bùng phát trong và sau tết. Tuy nhiên, người dân hiện dường như vẫn không mấy quan tâm.

Tại các chợ, thịt gia cầm đã giết mổ dù không có dấu kiểm dịch vẫn được người tiêu dùng vô tư mua về. Một lượng lớn gà sống không rõ nguồn gốc nhưng tiêu thụ rất mạnh. Khi chúng tôi hỏi về tình hình dịch cúm H5N1 và H7N9, chị Hà Mai Chi ở phường Yên Thịnh (TP Yên Bái) đang chọn mua gà tại chợ Bách Lẫm cho biết: “Tôi có nghe nói có người tử vong do cúm gia cầm nhưng do nhà không nuôi được mà tết cũng phải có vài con gà nên ra đây mua. Mình chọn gà theo cảm quan thôi, chứ sao biết được thế nào là đảm bảo chất lượng. Cứ chọn những người chỉ có vài ba con mang của nhà họ đi bán mà mua, chắc là an toàn”.

Vừa mua được con gà, chị Nguyễn Thị Nhung ở phường Đồng Tâm mang ngay ra chỗ mổ thuê cuối chợ. Chị tự an ủi: “Gà tôi vừa mua của một bà già ở xã Giới Phiên, bà ấy có mỗi ba con đem bán, nhìn thì cũng ngon đấy. Giờ thì cứ ăn thôi chứ bệnh tật biết thế nào, chắc dịch cúm không về tới mình đâu”.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng. Chính sự chưa ý thức hết những hiểm nguy cũng như những diễn biến khó lường của dịch đã và đang tạo cơ hội cho các loại gia cầm sống chưa qua kiểm dịch có cơ hội tiêu thụ và nguy cơ xảy ra dịch là rất cao.

Vừa qua, tại một số hộ ở xã Phúc Lộc, Giới Phiên, tổ 26, phường Hồng Hà (TP Yên Bái) đã có hiện tượng gà chết hàng loạt. Bà Nguyễn Thị Phúc ở tổ 26 phường Hồng Hà than phiền: “Nhà tôi nuôi gà bao nhiêu năm nay rồi, chủ yếu để phục vụ gia đình nên quá trình nuôi rất cẩn thận, tiêm phòng đầy đủ nhưng từ đầu tháng gà chết dần, đến nay trên 50 con cả gà to, gà bé đều đã chết sạch”.

Thấy hiện tượng gà chết, do tiếc của một số người dân đem ra chợ bán với giá rẻ hoặc mổ để trong tủ lạnh ăn dần. Mặc dù ngành thú y đã tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân gà chết do bệnh tụ huyết trùng nhưng người dân cũng không nên chủ quan khi sử dụng thực phẩm này.

 

Người dân mua gà sử dụng trong dịp tết chỉ dựa vào cảm quan là chính. 

Phòng hơn chống

Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 và cúm A (H7N9) thì nguy cơ dịch bùng phát trong và sau tết sẽ không là ngoại lệ với bất cứ địa phương nào nên ngày 20/1/2014, UBND tỉnh đã có Công văn số 97/UBND-VX yêu cầu các ngành, các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cúm A(H7N9).

Chiều ngày 22/1, UBND tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Trước tình hình trên, ngoài việc phun tiêu độc khử trùng định kỳ 1 năm 2 lần, những ngày này, Trạm Thú y thành phố Yên Bái ra quân phun tiêu độc khử trùng tại các chợ và điểm giết mổ.

Bà Lê Thị Phúc - Trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và cúm A (H7N9), Trạm đã cấp 127 lít thuốc tiêu độc khử trùng, dự kiến phun trên 200.000m2”.

Thời gian này, một lượng lớn gia cầm đang đổ về thành phố nên các ngành chức năng hơn lúc nào hết cần tăng cường gắt gao công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển. Trạm Thú y thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn người dẫn cách phòng chống dịch.

Hồng Duyên

Các tin khác
Đồng bào Mông Suối Giàng, Văn Chấn thu hái chè Shan tuyết.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Yên Bái, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học – Công nghệ) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) Suối Giàng cho sản phẩm chè của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Người dân đã có ý thức trong việc nuôi nhốt và dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong vụ đông.

YBĐT - Theo báo cáo của UBND xã Tú Lệ (Văn Chấn), vụ đông năm 2011 có 258 con trâu, bò bị chết đói, chết rét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu và nhập khẩu của NHNN Việt Nam kể từ 15/3/2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục