Vị thế chè Suối Giàng

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/2/2014 | 8:15:27 AM

YBĐT - Xuân này là mùa xuân thứ 14 đồng bào Mông xã Suối Giàng (Văn Chấn) ăn tết cùng thời gian với người Kinh. Vui hơn, khi xuân này, vùng đất được vinh danh bởi những gốc chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi được công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè Suối Giàng.

Đồng bào Mông Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết.
Đồng bào Mông Suối Giàng thu hái chè Shan tuyết.

Việc công nhận nhãn hiệu sản phẩm cho chè Suối Giàng đã mở ra một cơ hội mới, một hướng đi mới giúp đồng bào Mông Suối Giàng có điều kiện làm giàu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng.

Nằm ở độ cao trên 1.400m so với mặt nước biển, Suối Giàng có 530 hộ với trên 2.670 khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi với những gốc cây vài người ôm không xuể. Chè Shan tuyết có ở Suối Giàng từ khi nào thì không ai biết được, chỉ biết rằng cây chè đã gắn bó với đồng bào người Mông qua nhiều thế hệ.

Theo nhiều người thì cái tên Shan bắt nguồn từ cao nguyên Shan có vùng chè nổi tiếng, có người lại bảo Shan là cách gọi từ chữ “sơn” mà ra. Chè Shan tuyết Suối Giàng không mọc trên núi tuyết nhưng những búp chè lại được phủ bằng một màu trắng bàng bạc như tuyết. Người ta bảo đó là sự kết tinh của nắng, của mưa, của tuyết sương mang đặc màu sắc tự nhiên  đã làm nên một thứ chè thuộc hàng “độc nhất vô nhị”.

Điểm khác biệt của những gốc chè cổ thụ này đã cuốn hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 1976, Viện sĩ thông tấn K.M Djenmukhatze Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) tới Suối Giàng nghiên cứu cây chè, đã phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa ở đâu có cây chè cổ thụ như cây chè Suối Giàng. Phải chăng đây là thủy tổ của cây chè? Chè ở đây vô cùng độc đáo, bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.

Nổi tiếng là vậy, nhưng một thời gian dài những đồi chè, xanh bạt ngàn giữa núi rừng ấy chưa thể mang lại cuộc sống sung túc cho người Mông Suối Giàng. Đó có lẽ cũng là câu chuyện được đề cập trong suốt nhiều năm qua mỗi khi nhắc tới mảnh đất được vinh danh bởi loài chè  đặc sản này.

Theo ông Sổng A Nủ- Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, toàn xã hiện có 463ha chè Shan tuyết, trong đó diện tích chè kinh doanh 393ha, mỗi năm mang về cho bà con trong xã trên 7 tỷ đồng.  Nhẩm tính số tiền 7 tỷ đồng nếu được chia đều cho 2.670 người dân nơi đây thì mỗi người sẽ có được khoảng 3 triệu đồng mỗi năm thu nhập từ chè. Điều đó giải thích cho việc tuy nổi tiếng có loại chè đặc sản quý nhưng số hộ làm giàu từ cây chè ở Suối Giàng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà Trang A Lử ở thôn Bản mới làm chè đời thứ 3 có khoảng 2 ha chè, trong đó có hàng trăm gốc chè cổ thụ. A Lử bảo: “Nhà có 5 nhân khẩu, cuộc sống chủ yếu dựa vào chè, ở đây khí hậu lạnh giá chỉ có chè là sống được.  Mỗi năm thu hái chỉ được 10 triệu đồng đủ lo cho các con ăn học”.

Mặc dù chè Suối Giàng gắn bó máu thịt với đồng bào Mông và cũng là nguồn thu chính của đồng bào nhưng những gốc chè Shan tuyết kia chưa đem lại cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây. Một phần năng suất, sản lượng chè còn thấp do chăm sóc, thu hái không đúng kỹ thuật, dẫn đến cây chè bị khai thác một cách cạn kiệt.

Cùng với đó, thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình. Hàng năm, toàn xã thu hái được 500 - 550 tấn chè búp tươi, với sản lượng này dù có chế biến tốt đến đâu thì cũng chỉ được trên dưới vài chục tấn chè khô, ấy thế mà đi đến đâu cũng thấy đại lý bán chè Suối Giàng.  Ngay tại Suối Giàng cũng có đủ loại tên chè nào là chè “Năm cực”, chè “Độc nhất vô nhị”, chè “Shan tuyết”, chè “Suối Giàng”, chè “Giàng Cao”, “Giàng Thấp”… giá của mỗi loại chè phụ thuộc vào sự kỳ công từ việc thu hái nguyên liệu cho đến cách chế biến. 

Để lấy lại thương hiệu và để cây chè phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã đứng ra đăng ký nhãn hiệu chè Suối Giàng - Yên Bái. Sau nhiều nỗ lực, tháng 5/2013, vừa qua chè Suối Giàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 62700/QĐ/SHTT ngày 1/11/2012.

Để bảo tồn và phát triển thương hiệu chè Suối Giàng, tỉnh đã chọn Công ty Đức Thiện và Hợp tác xã Chè Suối Giàng để trao lại nhãn hiệu, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để 2 đơn vị trên phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè Suối Giàng. Xây dựng, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm chè Suối Giàng là một việc làm đúng đắn và hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững trong nền cơ chế thị trường. Năm 2013, chè Suối Giàng đã mang lại thu nhập khá cho nông dân, giá chè trung bình 20.000 đồng/kg, cao hơn vài năm trước từ 5.000 -7.000 đồng/kg, tính ra mỗi cân chè người dân mua được 3 kg thóc.

Gia đình ông Vàng Xúa Dê có gần 100 gốc chè, cho biết: “Từ khi được đăng ký nhãn hiệu chè Suối Giàng, giá chè ổn định hơn nên bà con trong bản rất phấn khởi. Vụ chè vừa qua, gia đình thu được 15 triệu đồng tiền chè nên cũng có đủ để sắm tết”.

Chủ tịch Sổng A Nủ thì phấn khởi: “Từ khi nhãn hiệu chè Suối Giàng được công nhận, bà con trong xã đã thấy được giá trị của cây chè nên chăm sóc, thu hái theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, các nhà máy, hợp tác xã  chế biến chè trên địa bàn đã hoạt động nề nếp hơn”.
Ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “ Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy và bảo tồn giống chè cổ Suối Giàng đưa chè Suối Giàng trở thành một thương hiệu mạnh”.

Việc được cấp nhãn hiệu cho sản phẩm chè Suối Giàng chỉ là bước khởi đầu. Để cây đặc sản này giữ vững và trở thành thương hiệu mạnh, ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm của các đơn vị đã đăng ký nhãn hiệu; kiên quyết dẹp bỏ những cơ sở sản xuất kinh doanh chè Suối Giàng kém chất lượng; trang bị cho đồng bào Mông kỹ thuật chăm sóc và khai thác bền vững đảm bảo chất lượng nguyên liệu; quảng bá thương hiệu chè  bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa và phát triển du lịch. Có như vậy, thương hiệu Chè Suối Giàng mới vươn xa trong và ngoài nước và người dân mới thực sự làm giàu trên vùng tài nguyên vô giá này.

 Văn Thông

Các tin khác

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an.

Giá vàng SJC giữ mức 90,4 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay, giá vàng SJC giữ nguyên ở mức 87,7 – 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới giữ nguyên mức 2.414,4 USD/oz. Giá bán vàng SJC hiện cao hơn 16,37 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục