Dứt điểm hoàn thành các công trình quan trọng, thiết yếu

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 7:34:32 AM

Năm 2014 ngành GTVT chủ trương thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác.

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Ngọ, phóng viên báo chí có cuộc trao trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Hồng Trường về những kết quả nổi bật của ngành giao thông trong năm 2013 cũng như những vấn đề đặt ra trong năm 2014.

PV: Được biết, trong năm 2013, ngành GTVT đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Thành tựu nổi bật của ngành GTVT trong năm qua là gì, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Năm 2013, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành GTVT. Tình hình TNGT tiếp tục được kiềm chế. Đây cũng là năm thứ hai liên tục TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương; số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 10.000 người.


Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Hồng Trường

Công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực GTVT. Ngành GTVT đã khắc phục một số tồn tại như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý. Kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư phát triển đạt 62.021,4 tỷ đồng. Tổng số vốn huy động ngoài NSNN đến năm 2013 đạt khoảng 117.000 tỷ đồng/48 dự án BOT.

Năm 2013, toàn ngành huy động được hơn 80.000 tỷ đồng/26 dự án, trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỷ đồng (chiếm 43% tổng mức đầu tư).

PV: Không thể không kể đến những yếu kém, vướng mắc còn tồn tại trong ngành GTVT trong năm qua. Ông có thể cho biết về điều này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành GTVT còn tồn tại nhiều mặt như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng dịch vụ vận tải đã được cải thiện nhiều so với các năm trước, tuy nhiên một số khâu dịch vụ tại các bến xe, nhà ga tiếp tục phải chấn chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách.

Công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình hình TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Kiềm chế tai nạn giao thông chưa thật sự bền vững, số người chết vì TNGT chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ 2012. Số người bị chết, bị thương do TNGT vẫn còn ở mức cao, TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM vẫn còn diễn biến phức tạp vào giờ cao điểm.

Mặc dù trong năm 2013, ngành GTVT đã đẩy mạnh huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước với khối lượng lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra.

Chất lượng công tác quản lý bảo trì KCHT nói chung và đường bộ nói riêng tuy đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung vẫn chưa đảm bảo yêu cầu do vốn dành cho công tác duy tu, bảo trì thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm năng lực khai thác.

Đặc biệt đối với đường bộ, do tình trạng xe chở quá tải chưa được kiểm soát chặt chẽ trên diện rộng, hệ thống quốc lộ nhiều nơi đang bị hư hỏng, đi lại rất khó khăn và mất an toàn.

PV: Điểm nổi cộm trong những năm qua là nhiều công trình giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ. Ông có thể chia sẻ nguyên nhân cùng hướng khắc phục tình trạng này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói các công trình giao thông trọng điểm quốc gia về GTVT có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội. Xác định được ý nghĩa quan trọng đó, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo để đảm bảo tiến độ, chất lượng của các công trình này tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, một trong những điểm nghẽn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Ở nước ngoài có các mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư tiến hành thi công từ đầu đến cuối. Nhưng đặc điểm của Việt Nam là chúng ta vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công. Để giải quyết vấn đề này, thứ nhất, về mặt cơ chế chính sách, Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đưa ra chính sách đền bù, giải phóng một cách thấu đáo.

Trong những năm vừa rồi, Chính phủ ban hành Nghị định 69 đã tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Thứ hai, dù giải phóng mặt bằng đã giao về các địa phương nhưng trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc phối hợp với các địa phương là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc này mang lại hiệu quả về tiến độ giải phóng mặt bằng rất lớn.

Tuy nhiên, chính sách giải phóng mặt bằng hiện nay của chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện khác nhau trong các vùng miền, chưa bao quát được hết nên việc không chấp nhận, không bằng lòng của người dân xảy ra khá lớn.

Do đó, chúng tôi đã và đang tìm các giải pháp cùng chính quyền địa phương, đặc biệt xung quanh vấn đề đền bù, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ việc làm trên tinh thần bằng hoặc là tốt hơn nơi ở cũ.

Trong năm 2014, ngành GTVT sẽ thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tập trung nguồn lực phát triển nhanh hơn kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu quả đầu tư công; khai thác và sử dụng có hiệu quả vốn ODA và nguồn vốn vay thương mại ưu đãi.

Tập trung hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Có cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để huy động các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; tập trung siết chặt quản lý các Ban QLDA, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban QLDA.

PV: Ngành GTVT sẽ phải làm gì để thực hiện phương châm đã đề ra trong năm 2014 là “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa” thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Với phương châm đã đề ra như trên, trong năm 2014, toàn ngành GTVT sẽ phấn đấu tăng trưởng bình quân 6% về tấn hàng hóa và 7% về lượt hành khách so với năm 2013; hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến 86.586,9 tỷ đồng (trong đó, NSNN 4.529,7 tỷ đồng, ứng trước NSNN năm 2015 là 1.300 tỷ đồng, Trái phiếu Chính phủ 39.332,2 tỷ đồng, ngoài NSNN: 41.425 tỷ đồng).

Đồng thời, tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và các dự án trọng điểm sẽ được đẩy nhanh. Cùng với đó, sẽ là sự tiếp tục đẩy mạnh thực hiện năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý các Ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát”.

Nhằm bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, ngành duy trì thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí so với năm 2013, thực hiện năm ATGT 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”...

Trong năm tới, Bộ cũng sẽ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa Việt Nam; trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Bộ cũng sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Tổng kết 8 năm thực hiện Luật Đường sắt để xem xét, kiến nghị sửa đổi, bổ sung; Tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện, tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật, rà soát, hợp nhất văn bản để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân....

Đặc biệt, trong năm 2014, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tập trung nguồn lực phát triển nhanh hơn kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ngành GTVT sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ NSNN; khai thác và sử dụng có hiệu quả vốn ODA và nguồn vốn vay thương mại ưu đãi. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp hơn để huy động các nguồn lực ngoài NSNN đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực...

PV: Xin cảm ơn ông!.

(Theo VOV)

Các tin khác

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an.

Giá vàng SJC giữ mức 90,4 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay, giá vàng SJC giữ nguyên ở mức 87,7 – 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Cùng thời điểm, vàng thế giới giữ nguyên mức 2.414,4 USD/oz. Giá bán vàng SJC hiện cao hơn 16,37 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục