Sắc xuân Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ hai, 3/2/2014 | 9:55:36 AM
YBĐT - Trước đây, nhắc tới Mù Cang Chải người ta thường nghĩ tới mảnh đất xa xôi với biết bao khó khăn vất vả, đói nghèo và lạc hậu. Xuân này, đến Mù Cang Chải, cảm nhận rõ nhất trong tôi là sự thay đổi trong đời sống người dân. Nơi đây đang vươn lên mạnh mẽ cùng sự phát triển chung của đất nước.
Vụ đông đã được bà con vùng cao tích cực triển khai.
Trong ảnh: Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Tiến Đức (ngoài cùng bên trái) kiểm tra ngô đông xuân tại xã Lao Chải.
|
Quốc lộ 32 - con đường dẫn lên Mù Cang Chải được đầu tư thảm nhựa đi lại dễ dàng. Từ thị xã Nghĩa Lộ chỉ mất hai giờ đồng hồ ngồi ô tô, trung tâm huyện hiện ra với dáng dấp của một đô thị hiện đại. Các điểm dọc quốc lộ 32 như: Púng Luông, ngã ba Kim, Khao Mang cũng hình thành những thị tứ. Tô điểm nơi núi rừng điệp trùng là các công sở, các điểm trường, trạm y tế... được xây dựng khang trang.
Đường vào trung tâm các xã được cứng hóa, hệ thống đường thôn, bản xe máy đã đi lại dễ dàng. Là người có gần 40 năm gắn bó với vùng cao, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Tiến Đức hiểu rõ mảnh đất này hơn ai hết. Anh tâm sự: “Chẳng phải từ khi mới thành lập huyện (năm 1955) mà cách đây chưa lâu, Mù Cang Chải vẫn được nhiều người gọi là “xứ mù”. Do cư dân chính là đồng bào Mông cư trú trên sườn núi cao nên dù có vắt kiệt mồ hôi làm ra danh thắng ruộng bậc thang nhưng bụng chẳng được no, cái chữ cũng không được học.
Cán bộ chủ yếu là người miền xuôi lên cuộc sống cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Trước đây, cứ nói đến Mù Cang Chải là người ta nghĩ đến khó khăn, đói nghèo và lạc hậu!”. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, Mù Cang Chải đã có sự đổi thay nhanh chóng. Theo lời già bản Tàng Ghênh, xã Lao Chải Vàng A Lử, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước hỗ trợ phân, giống, được cán bộ huyện, xã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo làm ruộng hai vụ, làm ngô, phát triển chăn nuôi, trồng rừng, làm đường giao thông nên giờ đời sống người Mông đã tốt hơn rất nhiều. Con cháu được đi học, được khám chữa bệnh khi ốm đau. Người Mông biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!
Cùng sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước là nỗ lực vươn lên của lớp lớp cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ cùng nhau tuyên truyền, vận động người vùng cao thay đổi tư duy, nếp sống. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mù Cang Chải Phạm Tiến Lâm cho biết: “Để tăng mạnh diện tích lúa hai vụ, trong đó có 80% diện tích lúa nước được gieo trồng bằng giống lúa mới, 100% diện tích giống ngô mới sản xuất 2 vụ…, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ đạo cán bộ xuống cơ sở vận động, hướng dẫn nhân dân. Bà con được cấp các loại giống lúa ngắn ngày, chịu rét, chịu hạn, năng suất cao, được hướng dẫn kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Sau nhiều vụ thành công, bà con mới tin tưởng học làm theo”. Từ đó, “mặt trận hàng đầu” của Mù Cang Chải đã thu được nhiều kết quả đáng mừng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 26.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân vùng cao, trong sản xuất không còn thế độc canh cây lúa. Hàng năm, diện tích hoa màu tăng từ 7 - 10%. Nói đến vùng cao là nói đến tập quán thả rông gia súc. Mặc dù bà con nuôi nhiều nhưng do thả rông không được tiêm phòng, không được chăm sóc nên gia súc thường chết đói, chết rét và bệnh tật.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ảnh: m.q
Do đó, chăn nuôi được tổ chức lại theo mô hình nhóm hộ, khoanh vùng nhóm chăn thả kết hợp với trồng cỏ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đàn gia súc tăng nhanh, tình trạng trâu, bò chết đói, chết rét trong mùa đông giảm hẳn. Công tác giao đất, giao rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng được đẩy mạnh. Đến nay, độ che phủ rừng của huyện đã đạt 60%. Những thế mạnh trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ được quan tâm đã phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, thương mại dịch vụ - du lịch được khai thác triệt để, chiếm 28% trong cơ cấu kinh tế, nhất là khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận “Danh thắng quốc gia”, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tăng mạnh qua các năm: năm 1998, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 8,5%/năm thì năm 2013, ấn tượng với con số 14,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 7 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4 - 6%/năm; riêng năm 2013 giảm 9,06%. Đặc biệt, Mù Cang Chải từ là địa phương không có nguồn thu, đến nay, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn đạt 18,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng. Sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, Mù Cang Chải đã có 60% thôn, bản, 65% hộ gia đình của 13/14 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đi đến trung tâm, có đường xe máy đến các thôn, bản.
Song song với phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Từ thất học, mù chữ với sự đầu tư của Nhà nước và sự cố gắng vươn lên, đến nay, Mù Cang Chải đã có hệ thống giáo dục từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Toàn huyện có 14/14 đơn vị hoàn thành phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học - chống mù chữ, 10/14 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD mẫu giáo 5 tuổi, 11/14 đơn vị đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi, 13/14 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi học mẫu giáo đạt 90%, tiểu học 96,3%, trung học cơ sở đạt 85%.
Từ nhiều hình thức vận động, đến nay cứ 3 người dân vùng cao có một người đi học, 97% dân số dưới 35 tuổi biết chữ. Sức khỏe người vùng cao từng bước được chăm sóc tốt hơn khi 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Mù Cang Chải đã tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, làm thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người phù hợp với lối sống văn hoá…
Đến nay, toàn huyện có 17 đội văn nghệ quần chúng, 74 bản có nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố, 100% thôn, bản, tổ dân phố có hương ước làm căn cứ xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.
Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Mù Cang Chải đang đổi thay từng ngày với thế và lực mới. Chắc chắn một ngày không xa, hình ảnh về vùng quê nghèo sẽ chỉ còn trong tiềm thức của du khách cũng như trong mỗi người dân huyện vùng cao xa xôi này.
Các tin khác
YBĐT - Những con đường không chỉ là mạch máu giao thông mà còn đem lại sức sống cho vùng đất nơi nó đi qua. Đường mở đến đâu cuộc sống của người dân đổi thay tới đó. Hoàng Thi là một con đường như thế!
YBĐT - Năm 2013, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng của Trung ương và địa phương đã và đang được hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng, tạo điều kiện cho nhân dân giao lưu đi lại thuận trong dịp Tết Nguyên đán này.
YBĐT - Xuân này là mùa xuân thứ 14 đồng bào Mông xã Suối Giàng (Văn Chấn) ăn tết cùng thời gian với người Kinh. Vui hơn, khi xuân này, vùng đất được vinh danh bởi những gốc chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi được công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè Suối Giàng.
Thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối cho biết, từ 1/ 2 (mùng 2 Tết), giá gas bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh giảm 13.000 đồng/bình 12 kg, xuống còn 430.000 đồng/bình.