Luồng sinh khí mới cho “tam nông”
- Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 8:33:23 AM
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với những quyết sách hợp lý của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, diện mạo “tam nông” Yên Bái đã có nhiều nét mới.
Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (người chỉ tay) trao đổi với đoàn công tác của Bộ Xây dựng về công trình cầu Tuần Quán nằm trong Tiểu dự án Nâng cấp đô thị thành phố Yên Bái thuộc Dự án Nâng cấp đô thị miền núi Phía Bắc.
(Ảnh: Hồng Duyên)
|
Với chủ trương đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông” xuống tận thôn xóm, bản làng, từng hộ dân, Tỉnh ủy Yên Bái, HĐND, UBND đã ban hành Chương trình hành động số 62-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tam nông”. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Đồng thời, căn cứ vào điều kiện và khả năng của từng địa phương để ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sức bật từ những vùng quê nghèo
Đại Phác - một trong những xã nổi bật của huyện Văn Yên trong các phong trào làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM). Dọc tuyến đường liên xã, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; các cơ sở dịch vụ sản xuất tấp nập xe vào ra chở hàng đã minh chứng cho sự phát triển, đổi thay của một vùng quê nghèo.
Ông Phạm Tùng Nguyên, Chủ tịch xã phấn khởi cho biết: “Trước đây, đời sống của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn do diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng ít, việc đào tạo nghề cho nông dân chưa được chú trọng… đã kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Hơn 2 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ xã Đại Phác đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, trong đó xác định quyết tâm khắc phục những hạn chế trên bằng nhiều giải pháp, nâng cao đời sống của nhân dân, huy động nhiều nguồn lực trong xây dựng NTM”.
Không chỉ hiến đất làm đường, trực tiếp tham gia công sức, nhân dân còn tự nguyện đóng góp xây dựng nhà văn hóa, nâng cấp trường học, trạm y tế…
Trong sản xuất cũng đã có nhiều đổi mới. Từ vụ mùa năm 2012, Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Phác đã triển khai trồng lúa hàng hóa chất lượng cao trên diện tích 10ha, đến nay đã lên tới trên 46ha, trong đó 10ha chuyên sản xuất lúa giống cung cấp tại chỗ. Thế mạnh của địa phương là có giống lúa Chiêm hương gạo thơm ngon, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu và tập quán canh tác của người dân.
Nhờ có sự mạnh dạn chuyển đổi trong phương thức sản xuất cây lúa nước, đến nay, xã Đại Phác đã cơ bản sử dụng giống lúa Chiêm hương trong sản xuất, chiếm tới 70% diện tích gieo cấy mỗi vụ, các giống lúa lai chỉ còn chiếm 30%, qua đó góp phần nâng cao chất lượng gạo. Thông qua sản xuất lúa hàng hóa, nông dân xã Đại Phác đã tăng thêm thu nhập, đồng thời nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cùng với đó, Văn Yên cũng đã hình thành những vùng nguyên liệu rộng lớn gắn với chế biến như vùng quế, sắn. Sự chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với chế biến đang góp phần làm thay đổi đời sống người dân các vùng quê nghèo Văn Yên.
Được mùa. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
Những con số biết nói
Có thể nói, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, tác động toàn diện nhất đến khu vực nông thôn đó là Chương trình xây dựng NTM. Theo đánh giá của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Yên Bái đạt được 5 mục tiêu lớn: một là tuyên truyền nghị quyết của Đảng sâu rộng trong nhân dân; hai là, hoàn thành quy hoạch nông thôn mới cho 122 xã; ba là, xây dựng đào tạo nguồn nhân lực, đến năm 2015 đào tạo cho 500 cán bộ xã có trình độ đại học; bốn là, ban hành Đề án giao thông nông thôn; năm là, đưa điện lưới quốc gia đến 125 thôn, bản khó khăn, trong đó có những thôn, bản phải chuyển cư cho công trình Thủy điện Thác Bà nhưng vài chục năm qua vẫn chưa được sử dụng điện.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông lâm, thủy sản năm 2013 dự kiến tăng 5,4% so với năm 2012; sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 285 nghìn tấn, tăng 69 nghìn tấn so với năm 2008; diện tích rừng trồng bình quân hàng năm đạt trên 15 nghìn ha. Đặc biệt, cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến mạnh, nhất là với cây nguyên liệu. Đây được xem là bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có bước phát triển. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; mạng lưới thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 67.000ha đất nông nghiệp; hệ thống điện nông thôn đạt 100%; 100% số xã đã được phủ sóng thông tin di động, kết nối Internet đến các xã vùng sâu, vùng xa. Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, đã có 163 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 28,8%. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe có sự phát triển toàn diện. 5 năm qua đã tiến hành cải tạo, nâng cấp và xây mới trung tâm y tế các huyện; các huyện, thị, thành phố đều có trung tâm y tế kiên cố, 50% trạm y tế tuyến xã đạt chuẩn.
Cùng với đó là sự phát triển và lớn mạnh của các hợp tác xã. Nếu như năm 2008 toàn tỉnh có 294 hợp tác xã thì đến nay con số này là 323, khoảng 2.500 tổ hợp tác với 9.000 thành viên đang hoạt động. Công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề được chú trọng. Với nhiều nỗ lực từ các chương trình, dự án mục tiêu giảm nghèo, chính sách tín dụng, đã giải quyết việc làm cho 14.323 lao động. Trên 19.800 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, vẫn còn những khó khăn chưa thể khắc phục, đó là nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn; là tỉnh nghèo nên nguồn lực đầu tư cho giao thông, thủy lợi, y tế còn thấp; chưa có sự liên kết giữa các vùng kinh tế… Trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”, đồng chí Phạm Xuân Đương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhận định, Nghị quyết Trung ương 7 thực sự là luồng sinh khí mới cho “tam nông”, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc nâng cao đời sống bộ phận cư dân nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Yên Bái cần có những lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, phải nắm rõ những khó khăn, vướng mắc ngay trong dân để từ đó có những quyết sách hợp lý.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Không phải “thánh địa” của cam và cũng chưa nổi tiếng như cam sành Lục Yên nhưng hôm nay, các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn đã có hàng ngàn héc-ta cam, quýt với sản lượng gần chục ngàn tấn. Vùng quê nghèo khó hôm nào nay đã trù phú.
Năm 2014 ngành GTVT chủ trương thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
YBĐT - Nói đến Văn Yên là nhắc đến quế. Từ xa xưa, quế được người Văn Yên trồng thành rừng, được đưa vào hương ước của từng bản, làng và trở thành thương hiệu riêng của vùng cao Tây Bắc.
YBĐT - Trước đây, nhắc tới Mù Cang Chải người ta thường nghĩ tới mảnh đất xa xôi với biết bao khó khăn vất vả, đói nghèo và lạc hậu. Xuân này, đến Mù Cang Chải, cảm nhận rõ nhất trong tôi là sự thay đổi trong đời sống người dân. Nơi đây đang vươn lên mạnh mẽ cùng sự phát triển chung của đất nước.